Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thanh Hóa: Dân “è cổ” đóng nhiều khoản thu vô lý

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân xã Trường Trung, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đang phải “è cổ” đóng góp nhiều khoản thu rất vô lý. Hộ nào không đóng góp thì sẽ bị “bêu dương” trên loa truyền thanh và bị đe rút ruộng.

Ông Tuấn bức xúc trình bày với PV 
Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành chỉ thị 24 về việc “Tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân”. Tuy nhiên ở một vùng quê nghèo của huyện Nông Cống (Thanh Hóa), người dân vẫn đang phải “gồng mình” đóng góp nhiều khoản thu, trong đó có cả những khoản đã được Chính phủ bãi bỏ. 

Thiếu 20.000đ, “rút”… 1 sào ruộng 
Theo phản ánh của người dân xã Trường Trung, huyện Nông Cống, trong nhiều năm qua chính quyền địa phương vẫn áp dụng nhiều khoản thu, trong đó có những khoản rất vô lý khiến người dân rất bất bình.
Cầm tập phiếu thu trên tay, ông Nguyễn Tiến Tuấn, thôn Phương Đoài, bức xúc: “Gia đình tôi có một khẩu đi Nam làm ăn rồi nhưng cũng phải tham gia đầy đủ các khoản đóng góp ở địa phương. Toàn những quỹ lạ không thể hiểu nổi. Nghị quyết ra không họp bàn mà được đọc trước dân rồi cứ thế mà thực hiện, có kêu cũng thế thôi”.
Vừa nói ông Tuấn vừa chìa tập phiếu thu cho chúng tôi xem, trong đó có các khoản thu được chia làm 2 phần, phần thu bằng thóc và phần thu bằng tiền. Gia đình ông có 5 khẩu, mỗi vụ như vậy phải tham gia những khoản đóng góp như: tiền giao thông 250.000đ, xây dựng trường Tiểu học 250.000đ, an ninh tự quản 12.000đ, đầu khẩu đóng góp làng 49.000đ, đất núi đổ đường 36.000đ, quỹ đào tạo cán bộ 18.000đ, thiếu cọc tre bao bì 20.000đ, quỹ ủng hộ nhi đồng 18.000đ, quỹ khuyến học xã 7.500đ. Bên cạnh đó còn có phần thu bằng thóc với mức thu như: quỹ tình nghĩa 2kg, quỹ HTX 33,6kg, đóng kênh mương xã 27,4kg, đóng đầu sào thôn 35,1kg…
Phần thu bằng tiền: Tiền giao thông 250.000đ, xây dựng trường Tiểu học 250.000đ, an ninh tự quản 12.000đ, đầu khẩu đóng góp làng 49.000đ, đất núi đổ đường 36.000đ, quỹ đào tạo cán bộ 18.000đ, thiếu cọc tre bao bì 20.000đ, quỹ ủng hộ nhi đồng 18.000đ, quỹ khuyến học xã 7.500đ.
Phần thu bằng thóc: quỹ tình nghĩa 2kg, quỹ HTX 33,6kg, đóng kênh mương xã 27,4kg, đóng đầu sào thôn 35,1kg…
Không riêng gì gia đình ông Tuấn mà 1.115 hộ với xấp xỉ 4.700 khẩu ở xã Trường Trung đều phải tham gia đóng góp các khoản thu do thôn và xã đề ra. Tuỳ vào mỗi thôn mà mức đóng góp của nhân dân bình quân từ 15 – 18 khoản.
Theo phản ánh của người dân, chính quyền xã và thôn đề ra chủ trương là thu trên tinh thần tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế không phải vậy, đến mỗi vụ thu, thôn lập phiếu thu ấn định mức cụ thể và tiến hành thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Nếu hộ nào không nạp kịp thời, thôn sẽ nhắc nhở và nếu nợ quá 20.000đ sẽ bị “rút” một sào ruộng.
Theo ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trường Trung, do ngân sách địa phương có hạn, nên để hoàn chỉnh hệ thống giao thông đi lại trong vùng, xây dựng cơ sở vật chất trường học, phấn đấu có một trường chuẩn quốc gia… xã đã huy động nhân dân bằng các khoản đóng góp trên. 
“Chúng tôi vẫn biết thu như thế là chưa hợp lý, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh địa phương còn nghèo, xã chưa hề nhận được công trình đầu tư nào của Nhà nước nên chúng tôi phải làm như vậy”, ông Tuấn thừa nhận. Cũng theo ông Tuấn, để hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông liên thôn theo dự toán của xã hết khoảng 7 tỷ đồng vì thế xã thống nhất thu trong 5 năm với mức thu 50 ngàn/khẩu/vụ. 
Huyện xin nhận trách nhiệm và sẽ cho kiểm tra
Trước những bức xúc của người dân xã Trường Trung, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo huyện Nông Cống để tìm hiểu quan điểm của huyện. Ông Trần Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, sau khi có chỉ thị 24 của Chính Phủ, huyện đã ban hành nghị quyết chỉ đạo tất cả các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện bãi bỏ các khoản thu trái với chỉ đạo của Chính Phủ. 
Trong thời gian qua các đoàn kiểm tra của huyện cũng đã thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thu chi ngân sách trên địa bàn huyện và mọi việc vẫn thực hiện nghiêm túc. Riêng vấn đề ở xã Trường Trung thì đến thời điểm này chưa kiểm tra cụ thể xem đúng, sai chỗ nào.
“Có thể do điều kiện khó khăn nên chính quyền địa phương lúng túng trong cách giải quyết việc thu chi”, ông Thuấn lý giải.
Khi PV chìa tờ phiếu thu của một hộ dân tại xã Trường Trung ra, ông Thuấn đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ cho tiến hành kiểm tra sự việc này và sẽ trả lời sau.
Duy Tuyên (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)