Nhằm đáp ứng nhu cầu cho chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn giao các huyện làm chủ đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) các trường THPT bán công chuyển sang công lập.
Theo Công văn số 690/UBND-VX về việc đầu tư CSVC các trường THPT bán công chuyển sang công lập giai đoạn 2011 – 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao UBND các huyện làm chủ đầu tư và lập Dự án đầu tư xây dựng mới tại địa điểm mới đối với 5 trường THPT (trừ 2 trường đã phê duyệt dự án là: THPT Nguyễn Hoàng, huyện Hà Trung và THPT Tĩnh Gia 5, huyện Tĩnh Gia). Còn lại các trường: THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hoá; THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc; THPT Trần Phú, huyện Nga Sơn; THPT Trần Ân Chiêm, huyện Yên Định; THPT Trần Khát Chân, huyện Vĩnh Lộc, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan để thống nhất quy mô và nội dung đầu tư.
Địa điểm xây dựng phải phù hợp với quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục của từng địa phương, huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Quy mô số lớp đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác định tại Quyết định chuyển đổi trường THPT bán công sang công lập. Về diện tích đất bố trí cho giáo dục bậc THPT, phải phù hợp với quy mô phát triển ổn định để trường phấn đấu theo hướng đạt chuẩn quốc gia.
Các trường sẽ được đầu tư xây dựng mới đồng bộ, gồm các khối công trình như: Nhà lớp học; nhà học bộ môn; nhà hiệu bộ; nhà đa năng và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật theo hướng chuẩn quốc gia và các quy định của Bộ Xây dựng; Viện thiết kế trường học – Bộ GD-ĐT và Điều lệ trường THPT hiện hành.
Đối với 5 trường: THPT Lê Văn Linh, huyện Thọ Xuân; THPT Hà Tông Huân, huyện Yên Định; THPT Triệu Thị Trinh, huyện Nông Cống; THPT Nguyễn Mộng Tuân, huyện Đông Sơn; THPT Triệu Sơn 6, huyện Triệu Sơn, tiếp tục sử dụng có hiệu quả CSVC, trang thiết bị đã đầu tư trước đó để duy trì dạy và học; khi quy mô giảm sẽ sát nhập với các trường THPT khác hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đối với 12 trường THPT còn lại, căn cứ thực trạng và nhu cầu thực tế của các trường để lập dự án đầu tư bổ sung các hạng mục phù hợp với quy mô phát triển và đạt chuẩn quốc gia, theo thứ tự ưu tiên: Phòng lớp học (ưu tiên 1), Phòng học bộ môn (ưu tiên 2), nhà hiệu bộ (ưu tiên 3), nhà đa năng (ưu tiên 4).
Hàng năm, căn cứ khả năng các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, các ngành: GiD-ĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, trình UBND – HĐND tỉnh quyết định đầu tư cụ thể cho từng dự án.
Duy Tuyên / Dan tri
Bình luận (0)