Lam chưa bao giờ nói “Con yêu bố” dù trong mắt chị, bố là người đàn ông đáng quý nhất. Chị cho rằng sự yêu thương, kính trọng phải bằng hành động cụ thể, còn lời nói chỉ nịnh tai mình lúc ấy thôi.
Sau những đổ vỡ trong đời sống riêng, Thanh Lam lại chuyển về ở cùng bố mẹ trong căn nhà nhỏ trên đường Đê La Thành. Cách con đường ồn ào bậc nhất thủ đô chưa đầy trăm mét, ngôi nhà của nhạc sĩ Chia tay hoàng hôn yên tĩnh không ngờ với những giò phong lan nhỏ, những tán cây dịu mát. Chị bảo mình chuyển về ở với bố mẹ cho vui. Nó giống như nơi bình yên của chị, dẫu rằng với Thanh Lam, bình yên không bao giờ là cái gì trọn vẹn. Trải qua bao thăng trầm của sự nổi tiếng và tai tiếng, Lam nhận ra rằng, mỗi người chỉ có khoảng khắc bình yên chứ chẳng ai có cả đời bình yên cả.
Thuận Yến mong Thanh Lam tìm được bến đỗ nhưng tôn trọng mọi quyết định của con gái. |
“Cha là người đàn ông đáng quý nhất”
Trong buổi gặp gỡ phóng viên, Thuận Yến diện bộ quân phục gắn huy chương rất oách. Thanh Lam bắc ghế ngồi cạnh bố, cười hồn nhiên. Thi thoảng, “người đàn bà hát” với ba mặt con, người sẽ trở thành bà ngoại trong dăm bảy năm nữa, lại tìm câu chuyện trêu chọc bố. Diva như một đứa trẻ khi ngồi cạnh cha mình. Người ta dễ dàng nhận ra sự yêu thương gắn kết của Thuận Yến với Thanh Lam nhiều hơn hẳn những gì ông thể hiện với cậu con trai mình – DJ Trí Minh. Chính tác giả của Khát vọng thừa nhận: “Phải nói thật trong hai đứa con Thanh Lam và Trí Minh, tôi dành tình thương cho Lam nhiều hơn. Bởi khi Lam sinh ra, tôi không có mặt ở Hà Nội. Hơn nữa, Lam thành đạt trong nghệ thuật nhưng đời sống riêng có lúc lận đận".
Thanh Lam nhận sự thiên vị ấy như điều đương nhiên. “Bố bao giờ cũng dành tình cảm cho con gái nhiều hơn, không phải mình cha con tôi mà tôi thấy gia đình nào cũng vậy. Tôi chia sẻ với bố những suy nghĩ của mình và ông luôn đồng ý với mọi quyết định của tôi” – nữ hoàng nhạc nhẹ tâm sự. Chị bảo, dù ngoài xã hội mình có thế nào thì với bố mẹ, mình vẫn là đứa con nhỏ được yêu thương và bao dung. Người con gái nào cũng rất yêu cha. Thuận Yến là người đàn ông duy nhất chung thủy và không bao giờ làm tổn thương Lam trong khi những người đàn ông khác đến và ra đi như “những dòng sông nhỏ”. Ngay từ khi còn trẻ, Lam đã mong người chồng mình sau này giống hệt cha. Nhưng hai người đàn ông chị từng yêu và cưới không có đủ tình yêu như cha đã dành cho mẹ. Có lẽ vì thế, với Lam “bố là người đàn ông đáng quý nhất”.
Tuy vậy, Lam chưa bao giờ nói “Con yêu bố”. Chị cho rằng trong cuộc sống con người ta yêu thương, kính trọng nhau phải bằng hành động cụ thể, còn lời nói chỉ nịnh tai mình lúc ấy thôi. Chị cũng không cần các con nói yêu mình. Chị cần chúng yêu mẹ bằng những điểm 10, bằng những bước trưởng thành. Tính Lam không giống cha – Thuận Yến, hay mẹ – nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương, hiền hậu và dung dị. Lam mạnh mẽ và bản năng, ít bộc lộ tình cảm. Chị bảo, cha mẹ sinh con trời sinh tính, cá tính con người chỉ ảnh hưởng phần nào từ cha mẹ, còn khi mình ra xã hội vươn lên trong cuộc sống, mình sẽ dần hình thành cách sống của mình. Thanh Lam dạy con bằng chính những cái cuộc đời dạy chị. Chị cho rằng những lời nói sáo rỗng không bao giờ dạy được trẻ. Chị tự xếp mình vào những người có cá tính tranh đấu ngoài thương trường, chứ không phải dạng phụ nữ bình thường sống cuộc sống êm đềm trong gia đình. Điểm đáng yêu nhất của đàn bà là vừa cá tính vừa yếu đuối. Có lẽ vậy nên Lam đa truân.
Những bài hát của cha, không phải bài nào Lam cũng hát, cũng thấy hợp với mình. Sáng tác của Thuận Yến mà Thanh Lam thể hiện thành công nhất là Chia tay hoàng hôn. Thuận Yến cho biết, bài hát được viết năm 1968, khi diễn ra cuộc chia tay của hai vợ chồng ông ở đường 9 Quảng Trị: “Vợ tôi lúc đó bị thận phải ra Hà Nội chữa bệnh. Hai người chia tay đầm đìa nước mắt. Khi ấy cả hai đều không biết Thanh Hương đang có mang cô con gái đầu lòng”. Sau này nhiều người lầm tưởng đó là bài Thuận Yến viết cho Thanh Lam khi chị gặp những trắc trở trong tình duyên. Bài hát Thanh Lam thích nhất trong gia tài âm nhạc của cha lại là Em tôi, thích bởi nó lắng đọng cuộc sống của mỗi người. Lam không thể tính rạch ròi, thành công của chị ngày nay có bao nhiêu phần trăm là công sức của cha. Chị chỉ tâm niệm: “Điều thuận lợi nhất trong sự nghiệp âm nhạc của tôi là sinh ra từ một gia đình nghệ thuật và có sẵn tình yêu với những sáng tác của cha mình”.
Đứng ở góc độ con gái đồng thời là một ca sĩ thể hiện thành công các tác phẩm của Thuận Yến, diva nhạc nhẹ cho rằng: “Sức sống bền bỉ của âm nhạc Thuận Yến nằm ở những điều giản dị. Những thứ giản dị thường lắng vào tâm hồn người nghe và cũng chính là những điều sâu sắc nhất”.
Thuận Yến và vợ, nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương. |
Thuận Yến quên tên cháu nhưng nhớ bài hát
Cuộc nói chuyện với Thuận Yến diễn ra khá chật vật, phải nhờ đến hai cố vấn là vợ và con gái. Hai năm nay, nhạc sĩ của Bác Hồ một tình yêu bao la mắc bệnh Alzheimer, suy giảm trí nhớ. Đang hào hứng nói về xuất xứ bài hát, ông quay sang khoe sáng nay mình đi bộ ba vòng quanh hồ Thành Công. Lam lắc đầu cười buồn cho biết, bố chị nói điều này một ngày không dưới trăm lần. Có hôm Thuận Yến vừa đi ăn phở về lại hỏi vợ con, sao không nấu đồ gì cho ông ăn sáng, lúc nhớ ra vừa ăn phở thì bảo với người giúp việc: “Sáng nay ông đi ăn bát phở có 1.000 đồng ngon lắm”. Lam bảo, bố chị uống thuốc hàng ngày, nhưng thuốc chỉ có tác dụng giúp chứng thoái hóa không lan rộng vào các tế bào não khác chứ không chữa được. Ai hỏi thăm ông về những đứa con của Lam, có lúc ông bảo mình chưa có cháu ngoại, có lúc lại khăng khăng Lam chỉ có một đứa con trai, một đứa con gái, còn con rể thì ông chỉ nhớ là “một cậu thấp thấp người” (nhạc sĩ Quốc Trung). Ông cũng chẳng nhớ tên cháu nội, cứ khăng khăng lấy tên con trai là Đoàn Trí Minh để gọi đích tôn.
Ấy thế mà khi được hỏi về bài hát, ông hát ngay Màu hoa đỏ: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ đó không về…”. Thuận Yến hát một cách say mê, không trật tông, không cần nghỉ lấy hơi. Ông còn bảo mình vẫn đủ sức khỏe lên sân khấu và hát vì “những thứ đó sẽ tuôn ở trái tim mình ra”. Người nghệ sĩ có thể quên những gì xảy ra trong cuộc sống, nhưng những thứ thuộc về âm nhạc không dễ bị xóa trong tiềm thức của ông.
Thanh Lam hy vọng đêm nhạc sẽ có những tác động tích cực với sức khỏe của ông Thuận Yến. |
Đêm nhạc Thuận Yến – liều thuốc cho cha
Ngồi nghe bố hát, giọng Lam nghèn nghẹn: “Trong cuộc đời mỗi người có những đỉnh cao, những cống hiến khác nhau nhưng về già đặt chân đến cuối dốc, không ai tránh khỏi bệnh tật. Gia đình tôi muốn tổ chức một đêm nhạc cho cha khi ông vẫn còn cảm nhận được. Hy vọng đêm nhạc sẽ là liều thuốc mạnh nhất tác động đến sức khỏe của ông”.
Đêm nhạc mang tên Tình yêu không lời diễn ra tối 25-26/9 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Lam cho biết, chị chọn cái tên này không chỉ vì đây là một bài hát của người cha 78 tuổi, mà bởi nó ẩn chứa một triết lý rất giản dị: tình yêu không cần nói bằng lời. Tình yêu ở đây không chỉ là rung động nam nữ mà còn là tình cảm gia đình, tình yêu đồng loại. Giống như tình yêu của Lam với bố, lặng lẽ và biểu hiện bằng hành động.
Trong đêm nhạc Thuận Yến, con gái sẽ hát, con trai làm đạo diễn và vợ ông, người nghệ sĩ lặng lẽ nhất nhà đứng đằng sau góp sức. Thanh Lam bảo, cái nắm tay âm thầm của mẹ chính là đóng góp lớn lao mà không phải ai cũng nhận thấy. Bên cạnh giọng hát đầy lửa của Lam là sự xuất hiện của những tên tuổi: NSND Anh Đức, Anh Thơ, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương, Khánh Linh trong 22 sáng tác để đời của Thuận Yến.
“Đây là đêm nhạc ý nghĩa nhất của tôi. Tôi mong nó sẽ diễn ra với không khí ấm áp, gần gũi như trong một gia đình, không còn khoảng cách giữa tác giả – ca sĩ và khán giả. Tôi không có mưu đồ làm một đêm nhạc hoàng tráng, ầm ĩ. Tôi tin rằng đêm diễn sẽ có những giọt nước mắt rơi”, nữ ca sĩ tâm sự. Nói về dự định dành cho cha, đôi mắt trong veo của chị bỗng đầy nắng vàng rực rỡ.
Bài và ảnh: Ngọc Trần (Theo VNE)
Bình luận (0)