Sự kiện giáo dục

Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 13-8-2024 thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: VGP

Theo quyết định, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia có con dấu, tài khoản riêng và trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội.

Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3, Điều 24; khoản 2, Điều 25; khoản 3, Điều 120 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 9 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30-12-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nhiệm vụ khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Y tế kiêm nhiệm. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: 1 Phó Chủ tịch Thường trực hoạt động chuyên trách, 1 Phó Chủ tịch là Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế kiêm nhiệm và 1 Phó Chủ tịch là Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế kiêm nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhiệm kỳ của Phó Chủ tịch Thường trực hoạt động chuyên trách là 5 năm và có thể bổ nhiệm lại, nhưng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ủy viên Hội đồng bao gồm: Đại diện các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đại diện các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; đại diện hội (hiệp hội) nghề nghiệp và chuyên gia ngành y tế; đại diện cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có 1 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng, số lượng Ủy viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của Hội đồng. Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia được quy định trong Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hội đồng Y khoa Quốc gia có các Ban chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng. Thành viên của các Ban chuyên môn gồm một số Ủy viên Hội đồng và chuyên gia của các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe và hội (hiệp hội) nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế. Hội đồng Y khoa Quốc gia có cơ quan giúp việc là Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia. Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập theo quy định của pháp luật.

Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia bao gồm kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng và Văn phòng Hội đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định và được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Y tế. Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Quyết định này có hiệu lực thi từ ngày 13-8-2024. Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày 13-8-2024. Nhân sự của Hội đồng Y khoa Quốc gia được bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Phương Nhi (VGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)