Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thành lập mạng lưới các trường đại học ở Đông Dương

Tạp Chí Giáo Dục

Phần đông đại biểu đến từ các ĐH của 3 nước Đông Dương khi tham dự “Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia” tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 27-8 đều nhất trí quyết định thành lập mạng lưới các trường ĐH giữa 3 nước.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc thành lập mạng lưới ĐH này sẽ mở thêm nhiều cơ hội thuận lợi trong việc trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học… giữa 3 nước. PGS.TS Phan Thanh Bình (Giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhận định: “Mạng lưới này sẽ là cơ sở để triển khai và thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường ĐH trong khu vực một cách cụ thể và hiệu quả nhất; nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 3 nước”. Ông Doungdi Outhachack (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội Quốc hội nước CHDCND Lào) cũng đồng tình, việc hình thành mạng lưới các trường ĐH ở 3 nước Đông Dương sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nhân lực của đất nước. Thực tế, việc hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Tính đến nay, Lào đã gửi cả ngàn cán bộ, học sinh qua học tập tại Việt Nam.
Sẽ có 11 trường ĐH tham gia, cũng đồng thời là thành viên sáng lập của mạng lưới các trường ĐH 3 nước Đông Dương (trong đó, Lào: 4 trường, Campuchia: 3 trường, Việt Nam 4 trường: ĐHQG TP.HCM, ĐH Huế, ĐHQG Hà Nội…). Ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho biết, trước đó (từ năm 2009) Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã làm việc với các ủy ban tương ứng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT và thăm một số trường ĐH của Lào, Campuchia. Tại các cuộc gặp này, lãnh đạo 3 bên đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa các trường ĐH của 3 nước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Theo đại diện ĐHQG TP.HCM, kinh phí để duy trì hoạt động của mạng lưới từ 3 nguồn: nhà nước phụ trách, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác. Tuy nhiên không ít đại biểu bày tỏ lo ngại trước vấn đề kinh phí hoạt động của mạng lưới. Đại diện ĐH Huế cho rằng, các mạng lưới ĐH lớn ở châu Âu, châu Á đều xác định rất rõ ràng nguồn kinh phí hoạt động trong khi đó, mạng lưới ĐH 3 nước chúng ta vẫn còn khá mơ hồ, thiếu cụ thể về vấn đề này. Chúng ta cần có sự rõ ràng về kinh phí hơn nếu không sẽ gặp phải nhiều khó khăn phía trước. Rào cản về ngôn ngữ cũng là vấn đề đại biểu 3 bên lưu ý đến với việc thành lập mạng lưới, trao đổi sinh viên…
Sau khi đại diện 3 bên ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục ĐH, phía Việt Nam, ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) đã có đề nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Ngoại giao 3 nước tạo điều kiện và giúp đỡ để sự hợp tác giữa các trường ĐH ngày càng phát triển. Ông Thi cũng khẳng định, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ luôn hỗ trợ và ủng hộ sự hợp tác giáo dục đào tạo giữa 3 nước nói chung.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)