Sự kiện giáo dụcTin tức

Thành lập trường: Nhiều nơi còn chạy theo quy mô đào tạo…

Tạp Chí Giáo Dục

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân thảo luận tại hội nghị

Sau 3 đợt khảo sát các tỉnh phía Bắc, phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên, ngày 30-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo với giáo dục ĐH.
Liên quan đến vấn đề thành lập trường ĐH-CĐ, ông Lê Văn Học (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội) nhận định, các tiêu chí được nêu trong các quy định hiện hành của Nhà nước được xem như mục tiêu để các trường phấn đấu chứ không thể đạt được ngay trong những năm đầu mới thành lập.
Thành lập trường chưa chú trọng chất lượng
Đến hết năm 2009, cả nước có 245 trường ĐH-CĐ được nâng cấp từ bậc học thấp hơn; 8 ĐH được nâng cấp lên từ khoa trực thuộc lên ĐH thành viên thuộc các ĐH; 6 ĐH được thành lập từ việc sáp nhập – chia tách cơ sở giáo dục ĐH và 32 trường được thành lập mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội, công tác thành lập trường thời gian qua chưa chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo và chưa phù hợp với năng lực của nền kinh tế hay yêu cầu về nhân lực của đất nước. Việc thành lập trường chủ yếu phát triển theo số lượng và chiều rộng; chạy theo quy mô đào tạo và thành tích của bộ ngành, địa phương mà thiếu chú ý tới quy hoạch chung cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhiều trường mới lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn, vượt xa năng lực đào tạo. Phần lớn các cơ sở đào tạo tự đề xuất những yêu cầu cụ thể về quy mô đào tạo, kế hoạch phát triển… và ngay sau khi có quyết định thành lập, hầu hết các trường tuyển sinh, mở ngành mới mà không chú ý nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Nguyên nhân của thực tiễn trên được đánh giá là do sự thiếu chặt chẽ trong quy định của Luật Giáo dục 2005, Nghị định 75/2006/NĐ-CP và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005 về việc thành lập trường, cho phép hoạt động giáo dục.
Thủ tục còn bất hợp lý
Một số điểm bất hợp lý trong quy định về thủ tục thành lập trường đã gây khó cho không ít cơ sở nhất là cơ sở ngoài công lập (NCL). Bộ yêu cầu nhà trường phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ GV, thư viện và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác mới tiến hành thẩm định. Nhưng công văn đồng ý về nguyên tắc thành lập trường chưa đủ cơ sở pháp lý để địa phương giao đất; chưa đủ tư cách pháp nhân để hợp đồng thuê giảng viên… Vì vậy, phần lớn các trường NCL đều phải thuê mượn cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu trong giai đoạn đầu thành lập. Công tác hậu kiểm chưa được chú trọng đối với các cơ sở mới thành lập.
Thực tế, đa số các cơ sở giáo dục công lập (CL) và NCL đều gặp khó khăn với vấn đề đất đai xây dựng trường. Đề án thành lập có cam kết hỗ trợ của địa phương trong quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng… nhưng thực tế không ít cơ sở sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây dựng (ĐH DL Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương…) hoặc phải tự xoay xở việc đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐH Đại Nam)… Khoảng 20 % cơ sở giáo dục ĐH mới thành lập hoặc nâng cấp phải đi thuê mướn cơ sở do chưa thực hiện việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký. Cơ sở thuê mướn không đảm bảo điều kiện vui chơi, hoạt động thể thao cho SV… Trong khi đó, một số trường NCL có đất xây dựng lại chỉ tiến hành xây dựng cầm chừng, học phần nào thì mua trang thiết bị, thực hành phần đó. Ngược lại, nhiều trường công lập được Nhà nước đầu tư dàn trải, hạn chế nên gặp khó khăn cho tăng cường cơ sở vật chất (ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng…).
Nhiều trường CL “giậm chân tại chỗ” trong việc xây dựng cơ sở vật chất do kinh phí đầu tư vừa ít lại nhỏ giọt. Cụ thể, dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trường ĐH Tây Nguyên với kinh phí 300 tỷ đồng đã được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến nay (năm cuối cùng của dự án) mới chỉ được cấp 80 tỷ đồng. Dự án Trường ĐH Y – Dược Cần Thơ với kinh phí đầu tư 1.000 tỷ đồng nhưng qua 7 năm (từ 2004 đến 2010) mới chỉ được cấp 173 tỷ đồng. Tốc độ cấp vốn như vậy, nguy cơ phải mất… 40 năm trường mới xây dựng hoàn chỉnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Tài (Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) cũng bày tỏ sự không tán thành với việc các trường ĐH đi thuê mướn quá nhiều cơ sở để giảng dạy vì như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng đào tạo. Để cải thiện nhiều vấn đề bất cập chung của giáo dục ĐH, ông Tài cho rằng bên cạnh những giải pháp trước mắt cần có những giải pháp căn bản, lâu dài mới đảm bảo được hiệu quả.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)