Ngày 3-1, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức lễ công bố Nghị quyết thành lập Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội và trao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học – công nghệ.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của trường trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học – công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế; hướng đến mục tiêu phát triển trường thành trường ĐH định hướng nghiên cứu, đạt chuẩn quốc tế vào năm 2035.
PGS.TS Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, nhận thấy nhu cầu từ xã hội về hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học – công nghệ đa lĩnh vực ngày càng phát triển trong giai đoạn hiện nay, tập thể lãnh đạo trường đã nhiều lần thảo luận về việc cần thiết phải có một trung tâm chuyên sâu nghiên cứu kinh tế – xã hội.
Đồng thời, tư vấn chiến lược, đào tạo kỹ năng và chuyển giao tri thức khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, hướng đến kỷ nguyên phát triển mới. Kết nối nguồn lực giữa các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức để ứng dụng tri thức khoa học vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng.
Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội của trường được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ môi trường – Năng lượng nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm lực hiện có về nguồn nhân lực trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực.
Cơ cấu tổ chức của viện gồm có: Viện trưởng; 2 phó viện trưởng; hội đồng khoa học viện. Các bộ phận giúp việc như: Nghiên cứu – phát triển; hành chính – văn phòng và đào tạo – hợp tác quốc tế.
Cũng theo quyết định công bố, TS. Nguyễn Thành Phong (Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương) làm Chủ tịch Hội đồng khoa học viện; PGS.TS Lê Chi Lan (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn), giữ chức Viện trưởng và PGS.TS Nguyễn Phan Thu Hằng giữ chức Phó viện trưởng.
Được biết, năm 2025, viện sẽ thực hiện nhiều hoạt động. Cụ thể, sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 8 đơn vị (Sở Công thương TP.HCM; Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM…) nhằm thiết lập một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ, giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Triển khai các chương trình đào tạo chuyên môn như đào tạo ứng dụng AI trong công việc cho viên chức nhà trường… theo hướng ứng dụng thực tế giúp gia tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Thực hiện các nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đặc biệt chú trọng đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và ứng dụng thực tiễn. Các hoạt động này hướng đến việc chuyển giao những giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và xã hội phát triển bền vững.
Mê Tâm
Bình luận (0)