Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thành Lộc: Nghệ sĩ không hơn thua nhau nơi hậu trường

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Thành Lộc luôn tâm niệm lời dạy của cha, rằng "sự cạnh tranh lành mạnh nhất đối với đồng nghiệp là khả năng tỏa sáng trên sân khấu" chứ không phải những bon chen chốn hậu đài.

– Đến nay, anh đã có khoảng 500 vai diễn. Anh bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình như thế nào?

– Tôi theo nghiệp diễn là nhờ thừa hưởng yếu tố di truyền. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội là bầu Nở nức tiếng Vĩnh Long (miền Tây Nam Bộ), ông ngoại là bầu Thắng nổi danh đất Sài Gòn. Cha tôi là Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai và hai anh chị của tôi – Bạch Long, Bạch Lê – đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng miền Nam thời kỳ 1970 – 1980. Ngôi nhà tôi sinh ra là cánh gà sân khấu. Ngày nào tôi cũng được "tắm mình" trong thứ ánh sáng lung linh kỳ diệu để tin mình cũng là vị hoàng tử trong cung son hay một tướng lĩnh ngoài trận mạc. 8 tuổi, tôi đã làm quen với sân khấu từ đội múa Nhà Thiếu nhi thành phố, rồi ban kịch thiếu nhi của Đài Truyền hình Sài Gòn.

Tháng 4/1975, hai miền Nam Bắc thống nhất, sự xuất hiện của các đoàn kịch nói từ Hà Nội vào Sài Gòn đã khiến tôi thực sự choáng ngợp. Chỉ đến khi xem các vở kịch của Đoàn kịch nói Trung ương tôi mới thực sự ngưỡng mộ môn nghệ thuật này và quyết tâm theo đuổi nó. Năm 1982, tôi tốt nghiệp khoa diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM và về đầu quân cho đoàn kịch Tuổi Trẻ TP HCM. Như vậy, tôi là nghệ sĩ do sự phân công, sắp đặt của Thượng đế, nhưng trở thành diễn viên kịch là lựa chọn của tôi.

– Cha anh, cố NSND Thành Tôn – một người đàn ông nghiêm khắc, gia trưởng – đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh như thế nào?

– Cha tôi ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi một cách có ý thức. Ông gia trưởng nhưng không áp chế tư tưởng của con mình, bởi ông quan niệm nghề nghiệp không thể ép buộc. Về đạo đức nghề nghiệp, tôi lĩnh hội được rằng: tài năng nghệ thuật thuộc về thiên bẩm, nhưng thành công là kết quả của trí tuệ và lao động. Cha khơi dậy trong tôi tư tưởng không phân biệt vai chính hay vai phụ. Chỉ cần hóa thân hết mình vào nhân vật thì ngay cả khi đứng ở góc tối nhất trên sân khấu, người diễn viên đó vẫn tỏa sáng. Ông cũng dạy tôi sự cạnh tranh lành mạnh nhất đối với đồng nghiệp là sự tỏa sáng trên sân khấu chứ không phải hơn thua nhau nơi hậu trường.

Thành Lộc luôn cố gắng giữ nụ cười tươi trẻ, yêu đời.

– Anh nhận định thế nào về sự khác nhau trong nghệ thuật hài kịch giữa miền Nam và miền Bắc?

– Sân khấu ngày nay chú ý nhiều đến yếu tố giải trí và quan tâm đến thị hiếu "người tiêu dùng". Sân khấu miền Bắc vẫn giữ được truyền thống nghiêm trang nhưng thiếu sinh động. Còn sân khấu phía Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, thì phần lớn là của tư nhân, hoạt động bát nháo. Nhưng nó có nhiều màu sắc, rất linh hoạt tự nhiên và không bị cứng. Tôi muốn học hỏi những cái hay, kết hợp những ưu điểm với nhau, biến nó thành của tôi và từ đó chinh phục khán giả cả 2 miền.

– Vì sao anh không hứng thú với kịch sinh hoạt?

– Đó là do lối tư duy thẩm mỹ của tôi. Tôi không thích những vở diễn tâm lý mà giả vờ trí tuệ, không có tính giải trí. Người ta vẫn lầm tưởng đó là cái gì đó đức hạnh, cao siêu, mà không nhận ra rằng mình đang rất cũ, rất lạc hậu. Tôi không nói kịch sinh hoạt là dở, là không hay, không hấp dẫn. Nhưng tôi mê dòng nghệ thuật mang tính biểu tượng hơn. Sân khấu, dẫu kinh điển nhất, vẫn phải bắt dòng được với thời cuộc, là một hơi thở mới, một tiếng nói mới, làm rung động được trái tim người cùng thời. Tôi rất thích dòng kịch hiện sinh châu Âu. Ở Việt Nam, dòng kịch này rất kén khán giả, thậm chí còn không có người xem. Tôi không hứng thú với kịch sinh hoạt nhưng cái tay này vẫn phải làm để nuôi cái tay kia thôi.

– Bạn bè của Thành Lộc đùa vui rằng, vì anh "quỷ quyệt" quá nên anh em trong nghề mới gọi anh là "Quỷ". Anh giải thích thế nào đây?

– Lúc còn ở độ tuổi 30, tôi cáu chảnh lắm. Có lẽ, mọi người sợ tôi nhất chính là những câu nói sốc của tôi, ai "đốp" tôi một tiếng là tôi "chát" lại hai, ba tiếng. Tôi độc mồm độc miệng nhưng không độc lòng, ác mồm ác miệng nhưng không ác lòng. Thật ra cái từ "con Quỷ" bắt nguồn từ tác phẩm "Thằng quỷ nhỏ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cố NSND Văn Thành thường gọi tôi là "thằng quỷ nhỏ". Có lẽ do khả năng linh hoạt của tôi trên sân khấu, có thể vào được nhiều loại vai với tính cách đa dạng, nên thầy mới mắng yêu như vậy. Sau đó, anh em trong nghề cứ thế gọi theo thôi.

– Hóa thân vào nhiều vai diễn như vậy, có khi nào anh lo sợ tính cách nhân vật vận vào mình?

– Hơn ai hết, diễn viên là người đầu tiên chịu ảnh hưởng từ tư tưởng chủ đề và nhân cách của nhân vật. Nhưng ngay cả khi họ đóng vai phản diện, họ cũng phải đứng trên tinh thần cải tạo xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn. Với tôi, nghệ thuật vị hạnh phúc, bởi vì con người làm ra nghệ thuật để từ đó, nó làm cho con người hạnh phúc. Còn nếu diễn viên để cho những tính cách xấu vận vào mình thì tay nghề và đạo đức còn non yếu quá!

Anh là người có khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai diễn khác nhau.

– Anh từng tâm sự rằng nhiều lúc lên sân khấu, anh cảm thấy như bước vào một cái nhà tù khổ hạnh mà anh đã tự nhốt mình trong suốt gần 40 năm. Tại sao thế?

– Đúng là có lúc tôi cảm thấy oải với công việc của mình và tôi nghĩ ai cũng vậy thôi. Bác sĩ đôi khi cũng rất sợ khi cầm con dao mổ, chứ có phải bao giờ họ cũng hào hứng đi mổ người đâu. Chính sự tác động của xã hội, vòng quay không ngừng của cuộc sống cùng những diễn biến phức tạp của nhân tình thế thái đã khiến con người ta chùn chân, mỏi gối. Một trong những cái mất đi của tôi là sức khỏe, tuổi tác, những đêm thức trắng. Căng thẳng, nản lòng như thế mà phải trở lại với sức ép công việc thì rõ ràng mình cảm thấy mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi là phải rồi.

– Vậy anh làm thế nào khi đang mang tâm trạng chán nản và thể trạng mệt mỏi mà vẫn phải "cười tưng bừng" trên sân khấu?

– Khi nhận những vai diễn "thọ lâu" quá, diễn hoài cũng chán, tôi sẽ làm mới nó. Sân khấu có cái hay hơn điện ảnh là mỗi lần tôi có thể diễn khác đi một chút. Tôi sẽ thể nghiệm nó với cảm hứng sáng tạo ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, để sân khấu mãi mãi tươi mới, thanh xuân. Trong rất nhiều chiếc chìa khóa để "mở" một vở kịch, bao giờ tôi cũng chọn được chìa khóa phù hợp để thể hiện hết khả năng sáng tạo. Ước muốn lớn nhất của tôi là tránh lặp lại mình để không tự chán mình. Và như thế, nụ cười trên sân khấu mới là nụ cười viên mãn nhất.

Thu Hồng (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)