Khán giả sẽ gặp lại những nghệ sĩ yêu thích từ cách đây hơn 30 năm qua hai vở cải lương được phục dựng: Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa.
NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh – Ảnh: Tư liệu
|
Những nghệ sĩ của đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga ngày xưa cùng tập hợp lại để diễn những vở tuồng nổi tiếng. Và người tổ chức chính là nghệ sĩ Gia Bảo, cháu cố của bà bầu Thơ, cháu nội của NSƯT Bảo Quốc. Tổng chỉ huy đêm diễn là NSƯT Bảo Quốc và NSƯT Hữu Châu.
Ra quân lần này, cả dòng họ bà bầu Thơ dốc sức cho quãng đời đẹp về đoàn hát lừng lẫy một thời và hoài niệm về người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn Thanh Nga. Bởi rất vô tình mà có những con số quá “đẹp”: 64 năm thành lập đoàn Thanh Minh, 36 năm ngày mất của Thanh Nga, cộng lại đúng 100, và đêm diễn Tiếng trống Mê Linh lại đúng ngay thứ bảy 8.3.
Ông bầu Gia Bảo nói: “Chúng tôi không đặt nặng kinh doanh, chỉ muốn làm một sô diễn kỷ niệm. Chắc vì vậy mà tổ nghiệp và bà cố phù hộ cho tôi, khi tôi ngỏ lời mời thì các nghệ sĩ đều đồng ý. Rồi khi lấy lịch cũng đúng những con số rất đẹp”. Quả thật, trong thời buổi này mà tập hợp được một dàn “sao” như vậy đủ hiểu mọi người rất yêu mến “bảng hiệu” Thanh Minh – Thanh Nga. Hàng loạt nghệ sĩ nổi danh tham gia như Thanh Sang, Thanh Tú, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Lệ Thủy, Thành Lộc, Vũ Linh, Xuân Lan, Quốc Nhĩ, Vũ Luân, Kiều Mai Lý, Hồng Loan, Chí Tiên, Đàm Vĩnh Hưng… Trong đó, có người lúc trẻ từng hát cho đoàn, có người vì ngưỡng mộ mà cộng tác. Đặc biệt, nghệ sĩ Phượng Liên và Phương Hồng Thủy sẽ từ Mỹ bay về để bước lên sân khấu thay cho Thanh Nga, lần lượt trong vai Trưng Trắc và Quỳnh Nga. Bởi cái bóng của Thanh Nga quá lớn nên phải tìm cho được nữ nghệ sĩ nào có chất giọng thâm trầm, sâu lắng, diễn xuất có chiều sâu, vừa uy dũng, nghị lực, vừa chứa chan tình cảm, thì theo Gia Bảo chỉ có Phượng Liên và Phương Hồng Thủy mới đủ khả năng thể hiện.
NSƯT Thanh Sang và nghệ sĩ Thanh Tú trong vở Bên cầu dệt lụa – Ảnh: H.K
|
Phục dựng hai vở diễn như xưa
Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa là hai vở đã thành dấu ấn không phai trong lòng khán giả suốt mấy mươi năm qua, làm nên những vai diễn để đời cho nhiều nghệ sĩ. Tái hiện không khó, nhưng nghệ sĩ Bảo Quốc và Hữu Châu chọn một hướng đi độc đáo là phục dựng y chang bối cảnh ngày xưa để khán giả lớn tuổi sống lại ký ức đẹp một thời, còn khán giả trẻ thì biết cải lương ngày ấy giản dị như thế mà không kém phần sang trọng. Những chiếc micro treo lên cao và kéo qua lại theo diễn xuất của nghệ sĩ, dù giờ đây đội ngũ kỹ thuật viên thừa sức sử dụng công nghệ để khán giả không thấy micro nữa. Trang phục được thiết kế và may đơn giản, gần gũi. Cảnh trí thì NSND Phan Phan – họa sĩ có trái tim bên phải, từng theo đoàn từ lúc trẻ, nay đã hơn 80 tuổi – sẽ thiết kế lại như xưa, tờ rơi quảng cáo chương trình cũng in ấn và ghi lời lẽ của “hồi ấy”… Ở đại sảnh Nhà hát Bến Thành sẽ có triển lãm những hình ảnh và kỷ vật của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, tái hiện một góc hậu trường sân khấu…
Đây quả đúng là những hoài niệm và có thể là cuộc chia tay. Bởi sau sô diễn này có nhiều nghệ sĩ chưa chắc còn đứng trên sàn được nữa, chẳng hạn Thanh Tú đã bị tai biến nhiều năm nay, dù hồi phục nhưng vẫn còn yếu, ông trở về vai Nhuận Điền của mình lần này là một sự cố gắng lớn. Còn nghệ sĩ Văn Chung và Thành Được thì quá già yếu nên không bay về Việt Nam, nhưng sẽ xuất hiện trong một video clip để tâm tình cùng khán giả, nhắc lại những kỷ niệm một thời. Nhiều nghệ sĩ khác cũng U.70, U.80, lưu lại một lần hình ảnh của họ lúc này âu cũng là cần thiết.
Vì vậy, Gia Bảo đặt tên chương trình là Chút tình gởi lại nhân gian. Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga và các nghệ sĩ đến với cuộc đời này như một cơn gió thoảng qua, chỉ để lại cái tình mà thôi. Nhất là nghệ sĩ Thanh Nga từng làm biết bao người ngậm ngùi, bâng khuâng, xao xuyến, nay dù không còn nữa nhưng những vai diễn của bà vẫn rạng ngời truyền lại cho đời sau.
theo TNO
Tin liên quan
Tối 1-11, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi bài ca kết đoàn”....
Dự án số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM tạo nên những hình ảnh, nét văn hóa...
Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.Cần Thơ phối hợp tổ...
PGS.TS.NGƯT Ngô Minh Oanh sinh năm 1957 quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình (nguyên là giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên, ĐHSP...
Bình luận (0)