Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thanh Ngoan đã ngoan hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh Ngoan thoắt ẩn thoắt hiện ở chiếu xẩm phố cổ Hà Nội, nhóm nhạc dân tộc ở Thiên đường Bảo Sơn, làm đạo diễn chèo, đóng phim hài Cả Ngố. Tân phó giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam len lỏi khắp nơi, nhìn chị có vẻ sạm đi so với vài năm trước.

Hình như Thanh Ngoan vui ở đại hội sân khấu bao nhiêu lại buồn ở liên hoan chèo bấy nhiêu?

Xem liên hoan chèo vừa rồi thấy buồn. Riêng diễn viên chèo tiêu chí từ xưa của các cụ là thanh- sắc- thục- tinh- khí- thần, nhưng ở liên hoan có sắc thì không có thanh và ngược lại. Chèo đang nhạt dần, và nếu không cẩn thận thì không biết nó sẽ đi về đâu.

Thanh Ngoan nói sẽ thành lập sân khấu nhỏ dành cho nghệ thuật truyền thống trong vòng một tháng tới. Ảnh: ĐTT

Mới gặp chị đôn đáo cho nhóm ca nhạc dân tộc ở Thiên đường Bảo Sơn, cuối tuần lại thấy hát ở chiếu xẩm chợ đêm Hà Nội, và còn vị trí phó giám đốc nhà hát chèo VN. Thật bận rộn?

Bận thì cũng xuất phát từ đam mê của tôi. Tiếng là dân chèo nhưng tầm quan tâm của tôi rất rộng, có cả xẩm, hát văn, ca trù, quan họ. Cũng thông báo một tin vui là tại rạp Kim Mã, ban giám đốc nhà hát đã đồng ý cho tôi thành lập một sân khấu nhỏ dành cho nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như xẩm, chầu văn, chèo, ca trù. Và nhất là hài kịch.

Chúng tôi xác định nếu chỉ thuần hề chèo, sẽ hiếm người xem, bởi thế sân khấu nhỏ tại rạp Kim Mã sẽ mở rộng ra hài kịch, tuy vẫn dựa vào phong cách của chèo. Sớm thì giáp Tết đỏ đèn, muộn thì ra Tết. Các thầy trong giới sân khấu và diễn viên Quốc Anh đồng ý tham gia, riêng Xuân Hinh còn trù trừ.

Chị và Xuân Hinh khá thân mật. Tại sao Xuân Hinh không hăng hái?

Hinh vào trường sân khấu – điện ảnh Hà Nội năm 1979, tôi vào năm 1981. Chúng tôi cùng học chèo với thầy Nguyễn Mạnh Tuấn. Trông Hinh bé, trẻ nên tôi bảo: "Thế này mà đòi gọi anh á?". Từ đó chúng tôi xưng ngang hàng, thi thoảng cũng mày – tao. Tôi rủ Hinh tham gia sân khấu nhỏ, mới đầu Hinh đồng ý nhưng sau lại nói là bận quá. Có lẽ Hinh bí kịch bản hài. Những kịch bản hài hay thì lúc nào cũng hiếm.

Chèo Hà Nội đã ra Hồ Gươm, kịch Tuổi Trẻ ra hồ Thiền Quang, nhưng xem ra cũng là những địa điểm biểu diễn không lâu bền. Còn chị?

Đúng, duy trì được là cả vấn đề. Tôi làm căn cứ từ thực tế, câu lạc bộ và trung tâm tôi từng làm vì mục đích: Giới thiệu di sản truyền thống và duy trì lâu dài. Mục đích giới thiệu khá ổn, nhưng để trở thành một tụ điểm như rối Thăng Long, rối Trung ương thì chưa thể. Muốn làm được thế, nghệ sỹ phải có lực và phải biết chọn chương trình gì để giới thiệu.

Mặt khác, phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Chúng tôi sẽ đưa lên website của nhà hát những thông tin biểu diễn của sân khấu nhỏ Kim Mã, sau đó mời các hãng lữ hành, từ đó hình thành tua tuyến như đã làm với rối nước. Tôi muốn lấy ngắn nuôi dài là như thế.

Cảnh trong phim hài Cả Ngố

Chị có thể nói gì về vai vợ Cả Còm trong chương trình hài Cả Ngố sắp được Cty nghe nhìn Thăng Long ra mắt?

Đó là nhân vật phụ, nhưng nghe đạo diễn Phạm Đông Hồng nói bài chửi của tôi đang được người ta tải ầm ầm về điện thoại. (cười). Dù vai nhỏ nhưng vẫn có cá tính và phong cách của Thanh Ngoan. Đảm bảo góp vào cái Tết của khán giả những tiếng cười rất vui vẻ.

Tại sao Thanh Ngoan chấp nhận vai phụ?

Nhận lời mời của Thăng Long AV, tôi cũng hỏi xuất hiện ít ỏi như thế có đáng làm không. Nhà sản xuất thuyết phục, vả lại lâu quá rồi tôi không xuất hiện trên băng đĩa hài. Vai diễn này cũng phù hợp với tôi.

Mấy năm trước, chị nói không năm nào được ăn Tết ở nhà. Năm nay chắc tình hình sáng sủa hơn?

Năm nay ngoan dần rồi. Hình như tôi đã đi quá nhiều.

Trần Thanh (Theo TPO)

Cty nghe nhìn Thăng Long ra mắt phim hài Cả Ngố với diễn xuất của Xuân Bắc, Minh Hằng, Hiệp gà, Thanh Ngoan, Tự Long, Bạch Liên, Tiến Đạt và ca sỹ Ngọc Khuê. Phim Chuyện đời thì có Hoài Linh, Quốc Anh và người mẫu Phi Thanh Vân tham gia. Dự kiến, hai chương trình hài này sẽ bán dịp trung tuần tháng Chạp.

 

Bình luận (0)