Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thành ngữ “Giang lang tài tận” với người viết báo hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

“Giang lang tài tn” hiu theo nghĩa đen là “chàng trai h Giang đã hết tài”, tc là ngưi tng có tài năng nhưng bây gi không còn tài na…


Đ kh năng viết không b mai mt, thui cht, ngưi viết báo phi không ngng np “đu vào” bng cách hc t sách v, t thc tế cuc sng… Trong nh: Các nhà báo tác nghip ti mt s kin t ch TP.HCMẢnh: N.Trinh

Thành ngữ này có xuất xứ từ “Truyện Giang Yêm” trong Nam sử (sử thời Nam triều ở Trung Quốc). “Giang lang” (chàng trai họ Giang) tức Giang Yêm (444-505), tự Văn Thông, một văn nhân thời Nam Bắc triều (420-589). Ông là người ở Khảo Thành, Tế Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam), từng trải qua ba đời, Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) thời Nam Bắc triều. Lúc còn trẻ, bất đắc chí trên bước đường công danh, đi theo Kiến Bình Vương Lưu Cảnh Tổ (Tống), không được coi trọng, lại bị hãm hại và bỏ ngục. Về sau, ông theo Tiêu Đạo Thành (tức Tiêu Cao Đế, người sáng lập nhà Lương, 478-482) và Tiêu Diễn (tức Tiêu Vũ Đế, 502-549)… dần dần được thăng quan, cuối đời được phong làm Lễ Lăng hầu. Ngoài sự nghiệp chính trị, Giang Yêm còn là nhà thơ ưu tú, nổi tiếng nhất là các bài: Độ Tuyền kiệu xuất chư sơn chi đỉnh, Hận phú và Biệt phú.

Sử cũ kể rằng, từ nhỏ gia đình nghèo khó, đến tiền mua giấy bút cũng không có. Nhưng ông lại rất chăm chỉ học hành, sau đó không những làm đến chức Quang lộc đại phu, mà còn trở thành nhà văn nổi tiếng, thơ văn của ông được người đời khẳng định và đánh giá cao. Nhưng về sau, do tuổi tác (dĩ nhiên còn nhiều lý do khác nữa) nên tài viết của ông cũng dần suy giảm. Trước đây, mỗi khi ông viết gì thì nếp nghĩ cứ ào ạt như sóng cuộn triều dâng, tay bút như có thần khí mà viết ra những câu hay tuyệt vời. Còn sau này, lời thơ của ông trở nên nhạt nhẽo. Mỗi khi cầm bút lên là phải nghĩ ngợi đến nửa ngày. Thảng hoặc, viết được một hai câu thì lời lẽ cũng rất khô khan, cứng nhắc, chẳng có câu nào ra hồn cả.

Tương truyền rằng, có một lần Giang Yêm đến neo thuyền bên bờ sông gần chùa Thuyền Linh, đêm nằm mơ thấy một người tự xưng là Trương Cảnh Dương đến xin ông một dải lụa, ông liền đưa mấy mảnh lụa cho ông ta. Nên từ đó văn chương của ông không còn hay như trước nữa. Cũng có chuyện chép rằng: Một hôm, Giang Yêm đang ngủ trưa trong đình thì nằm mơ thấy một người tự xưng là Quách Phát đến xin lại ông một cây bút và trách ông đã mượn bút của ông ta lâu lắm rồi. Giang Yêm bèn đem một cây bút năm màu trả lại cho ông ta, nên từ đó thi hứng của Giang Yêm đã vơi cạn… Do đó, ý của câu thành ngữ “Giang lang tài tận” là chỉ tài viết văn chương của chàng Giang Yêm không còn nữa. Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví với cảm hứng sáng tác văn thơ đã giảm sút hoặc chỉ về tài năng sớm nở rộ nhưng cũng chóng thui chột.

Bỏ qua những yếu tố huyền hoặc, việc một người khi trẻ biểu hiện có tài văn chương nhưng về già lại mờ nhạt cũng là điều dễ hiểu. Câu chuyện cụ thể của Giang Yêm có thể lý giải: Khi còn trẻ, Giang Yêm sống cảnh bần hàn, cảm nhận được sâu sắc hoàn cảnh, số phận của mình và những người cùng cảnh ngộ như mình nên thể hiện bằng văn chương sống động và mang hơi thở cuộc sống; về già, cuộc sống trở nên sung túc, lại bận việc quan nên bút lực giảm sút nên viết đã khó mà lại kém hay. Cũng có thể, lúc còn trẻ, Giang Yêm nỗ lực học tập nên có “đầu vào” phong phú, không chỉ trong sách vở mà còn dễ dàng liên hệ đến thực tế; về già, không còn ham học ham đọc nữa nên “đầu vào” bị bão hòa, thành ra khó viết được tác phẩm hay. Bên cạnh đó, khi trẻ còn lăn lộn với cuộc sống lại có ý chí vươn lên nên cố gắng dùng văn chương thể hiện mình thành ra viết là một động lực, một nhu cầu quan trọng; về già, thường lười nhác, không có động lực lại giảm nhu cầu thể hiện mình nên khó viết và cũng khó viết hay…

Thành ngữ “Giang lang tài tận” có sự gần gũi với người viết báo. Thực tế có không ít người viết báo khi trẻ viết rất sung (số lượng bài viết nhiều) và rất hay (chất lượng các bài viết tốt) nhưng khi có tuổi lại “cạn vốn”, lâu mới viết được bài mà bài lại kém hay. Điều đó ít nhiều thể hiện sự nghịch lý, bởi lẽ ra “gừng càng già càng cay” nhưng dù sao cũng có thể lý giải bằng các lý do như trên. Vì vậy, để có thể duy trì được mạch viết tốt như lúc đầu, người làm báo phải không ngừng học và đọc. Học ở đây bao gồm học lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, học chuyên môn (ở lĩnh vực mà mình phụ trách, theo dõi, được phân công), học nghiệp vụ (kỹ năng viết, chụp ảnh, biên tập…), học ngoại ngữ (kể cả tiếng dân tộc nếu công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số)… Nếu không học thực sự thì không hiểu, không nắm được đường lối, không chắc thực tiễn thì bài viết dễ lạc lõng hoặc chỉ là khẩu hiệu suông. Rõ ràng, trong nhiều loại “vốn” của người viết báo thì “vốn” từ sách vở, văn kiện, văn bản… là một nguồn rất quan trọng không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, người làm báo không bao giờ bằng lòng, thỏa mãn. Nếu người viết báo sớm tự bằng lòng thì sẽ dễ trở nên lạc hậu với những biểu hiện mới. Chẳng hạn, đâu phải viết về công nghệ thông tin thì mới cần cập nhật thông tin, sự kiện, công nghệ mới liên tục mà ngay cả viết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần liên tục nắm các vấn đề mới, các công nghệ mới, các giống mới, không chỉ để kịp thời phản ánh mà còn có thể sớm có phê bình, góp ý, hiến kế. Không bao giờ bằng lòng cũng còn hiểu là người viết báo phải luôn trau chuốt, làm mới cách viết của mình. Nếu không làm mới thì chỉ cách viết đó, kiểu chữ nghĩa đó, tuy tạo được sự quen thuộc nhưng lại dễ gây nên sự đơn điệu, nhàm chán. Nếu ở trên, cần nạp “vốn” để có “đầu vào” thì ở đây, “đầu ra” phải được đẽo gọt thường xuyên để bài viết sau không lặp lại ở bài viết trước, vấn đề sau được đề cập mới hơn vấn đề trước.

Lẽ dĩ nhiên, phải luôn gắn với thực tiễn. Không có thực tiễn thì không thể khen đúng, chê đúng, càng không thể góp ý, phê bình, phản biện. Vì vậy, không chỉ người viết báo mà cả người làm báo (gồm cả người viết, người biên tập, người quản lý) phải đi nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, quan sát nhiều, phân tích nhiều… để đưa ra các suy luận, phán đoán, đánh giá đầy đủ, chính xác. Bám sát thực tiễn còn có thể hiểu là phải thường xuyên đi thực tế. Đi thực tế không chỉ để lấy thông tin sát đúng với thực tế đang diễn ra mà còn để cho người viết có những rung động thực sự trước các vấn đề của thực tế. Đó là yêu, ghét, buồn, giận… một cách đúng và trúng, chứ không phải “lây” của người khác rồi biểu hiện gượng ép, giả tạo. Tức là nên đặt mình vào hoàn cảnh đó, điều kiện đó để có sự thấu hiểu và cảm nhận chân xác.

Tóm lại, để khả năng viết không bị mai một, thui chột, dù trước đó đã thể hiện được tài năng, thì người viết báo phải không ngừng nạp “đầu vào” bằng cách học, từ sách vở, từ văn bản, từ chủ trương, đường lối, từ thực tế cuộc sống… Không có “đầu vào” đúng, đủ, tốt thì không thể có “đầu ra” đúng, tốt, hay, cũng như không thể bền vững được. Và, có “đầu vào” tốt, người làm báo cũng cần liên tục rèn luyện, trau dồi, nâng mình lên để tiếp tục có nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có đóng góp!

Nguyn Minh Hi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)