Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thành ngữ trong Truyện Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng thành ngữ với một tỷ lệ rất cao và với những cách thức sử dụng rất sáng tạo, tinh tế.


Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông quê quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Trước hết, về chủng loại, thành ngữ trong Truyện Kiều rất phong phú, có đủ các loại nhưng chủ yếu vẫn là thành ngữ đối xứng. Việc sử dụng thành ngữ đối xứng góp phần quan trọng tạo nên sự đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Du: cấu trúc tiểu đối. Yếu tố tiểu đối vốn được hình thành từ đặc điểm tiếng Việt là thứ ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính và có thanh điệu. Tiếng Việt có 6 thanh, phân lập thành hai nhóm bằng – trắc: bằng gồm các âm tiết mang thanh ngang và thanh huyền; trắc gồm các âm tiết mang các thanh còn lại là sắc, hỏi, ngã, nặng. Trong thơ lục bát, nếu câu thơ chỉ cấu tạo theo lối bình thường, các âm tiết nối nhau đều đặn theo tính luân phiên bằng – trắc của luật thơ căn bản thì đối với những văn bản thơ dài sẽ rất nhàm chán về nhịp điệu, câu thơ sẽ loãng ra về nhạc điệu và ý nghĩa như một bản nhạc không có nhịp chõi, không đảo phách, không điểm nhấn. Để khắc phục những nhược điểm này, thi hào Nguyễn Du đã phát huy đặc tính thành ngữ trong tiếng Việt để tạo ra các hình thức tiểu đối cho câu thơ của mình.

Thơ lục bát sở dĩ có thể có cấu tạo tiểu đối được là vì mỗi câu thơ đều chẵn chữ. Tiểu đối trong thơ lục bát là hình thức tách đôi mỗi câu lục hoặc bát thành hai vế đối xứng, đối nhau về ý, về từ loại, về thanh điệu. Ví dụ: “Làn thu thủy/ nét xuân sơn; Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh”. Đó là hình thức đối chuẩn chỉnh. Hình thức tiểu đối vốn xuất hiện trong ca dao người Việt nhưng không nhiều và chưa hoàn toàn tự giác mà chủ yếu là do đặc điểm cấu tạo nói trên của tiếng Việt chi phối nên thuận miệng mà ngâm nga. Ví dụ: “Người ta đi cấy lấy công,/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề./ Trông trời, trông đất, trông mây,/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm./ Trông cho chân cứng đá mềm,/ Trời yên biển lặng, mới yên tấm lòng”. Các thành ngữ “chân cứng đá mềm”, “trời yên biển lặng” xuất hiện đã tạo nên yếu tố tiểu đối cục bộ (tiểu đối lệch) trong hai câu lục bát cuối. Cũng có những bài ca dao có yếu tố tiểu đối chuẩn chỉnh như câu: “Ai ơi bưng bát cơm đầy,/ Dẻo thơm một hạt/ đắng cay muôn phần”. Cách kết hợp đa dạng, các thành ngữ nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong các câu thơ. Đầu câu lục: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”; cuối câu lục: “Lạ gì bỉ sắc tư phong,/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Êm đềm trướng rủ màn che/ Sắm sanh nếp tử xe châu/ Trải bao thỏ lặn ác tà/ Nào người phượng chạ loan chung/ Đã không kẻ đoái người hoài”; giữa câu bát: “Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ/ Nào người tiếc lục tham hồng là ai”. Và phụ họa vào đó là các vế tiểu đối chỉnh: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da/ Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh/ Sắc đành đòi một tài đành họa hai” đã làm nên một bức tranh ngôn ngữ sống động về âm điệu, ngữ nghĩa trong đoạn mở đầu Truyện Kiều. Cấu trúc của thành ngữ chặt chẽ, súc tích, có tính cố định hóa cao trong ngôn ngữ nên khi sử dụng chúng, người ta thường đưa vào lời văn, lời thơ nguyên dạng. Vấn đề thách thức tác giả là phải căn cơ làm sao để khi gắn chúng vào lời văn của mình phải liền một khối. Trong Truyện Kiều, không ít trường hợp, Nguyễn Du giữ nguyên thành ngữ mà câu thơ vẫn uyển chuyển, hồi hoàn, luyến láy: “Ra tuồng “mèo mả gà đồng”/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào/ Ở đây “tai vách mạch rừng”/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi”. Ngoài cách đưa nguyên biểu thức thành ngữ vào lời thơ, nhiều trường hợp Nguyễn Du đã sáng tạo bằng cách tách thành ngữ ra từng bộ phận và xen vào những yếu tố khác để nhấn mạnh hoặc giải thích ý nghĩa của chúng hoặc để cho phù hợp với vần điệu của câu thơ. Những thành ngữ như “trong ấm ngoài êm”, “tình sông nghĩa bể”, “khổ tận cam lai”, “đau như dần”… được chia tách một cách khéo léo để đan xen vào các câu thơ sau: “Nàng rằng: non nước xa khơi/ Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”.

Trong Truyện Kiều, ngoài thành ngữ thuần Việt lấy từ dân gian, thi hào cũng sử dụng khá nhiều thành ngữ Hán Việt. Tuy nhiên, phần lớn các thành ngữ Hán Việt mà ông sử dụng đều là những thành ngữ tương đối phổ biến, ít nhiều đã được phổ cập trong số đông dân chúng. Mặc dầu vậy, song Nguyễn Du thường căn cứ vào đặc điểm cấu tạo về hình thức và ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt để chuyển dịch nhằm Việt hóa hoàn toàn loại thành ngữ này. Ví dụ, các thành ngữ Hán Việt: Thiên nhai hải giác (chân trời góc bể), hồng diệp xích thằng (lá thắm chỉ hồng)… Cũng có không ít trường hợp Nguyễn Du giữ nguyên thành ngữ Hán Việt nhằm tạo màu sắc trang trọng, cổ kính, uy nghiêm như “thanh thiên bạch nhật” trong câu “Ba quân đông mặt pháp trường/ Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”, “bình địa ba đào” trong câu “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”, “quả kiếp nhân duyên” trong câu “Âu đành quả kiếp nhân duyên/ Cũng người một hội một thuyền đâu xa”, “tú khẩu cẩm tâm” trong câu “Xem thơ nức nở khen thầm/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường”, “trọng nghĩa khinh tài” trong câu “Chiếc thoa nào của mấy mươi/ Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao”…


Tác phẩm Truyện Kiều

Điều đáng nói là trong Truyện Kiều, bằng cảm thức ngôn ngữ mẫn tiệp của mình về tính thành ngữ của tiếng Việt, Nguyễn Du đã tạo ra không ít những biểu thức ngôn ngữ có tính thành ngữ cao và nó đã thoát thai từ tác phẩm của ông để gia nhập vào kho tàng thành ngữ dân gian. Ví dụ như “lá gió cành chim” trong câu “Dập dìu lá gió cành chim”, “nửa ở nửa về” trong câu “Dùng dằng nửa ở nửa về”, “vén tóc bắt tay” trong câu “Mối càng vén tóc bắt tay”, “cân sắc cân tài” trong câu “Đắn đo cân sắc cân tài”, “một vẻ một ưa” trong câu “Mặn nồng một vẻ một ưa”, “máu sa ruột sầu” trong câu “Nhìn nàng ông những máu sa ruột sầu”… Có thể nói, rất nhiều biểu thức ngôn ngữ có tính thành ngữ như thế đã được tạo nên bằng/từ ngữ cảnh Truyện Kiều để từ vẻ đẹp của câu thơ Nguyễn Du, chúng đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân và thơ văn của các văn nhân đời sau.

Nguyễn Du là một bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ. Đương thời, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi nhận về ông: “Du trường ư thi, thiện quốc âm” (Nguyễn Du sở trường về thơ, giỏi quốc âm). Quả đúng như vậy. Truyện Kiều là tập đại thành, là tinh hoa ngôn ngữ văn chương hàng ngàn năm của người Việt được bàn tay thiên tài Nguyễn Du hun đúc, tinh luyện nên trên tinh thần “Thôn ca sơ học tang ma ngữ/ Dã khốc thời văn chiến phạt thanh” (Nghe lời ca nơi thôn xóm để học ngôn ngữ kẻ trồng dâu/ Nghe tiếng khóc nơi đồng nội để lắng âm thanh của chiến tranh, sát phạt – Thanh minh ngẫu hứng). Vì thế, chúng ta không lạ khi trong Truyện Kiều chứa cả một kho tàng thành ngữ đa dạng, phong phú được rút ra từ thi liệu văn chương bác học đã được Việt hóa và từ lời ăn tiếng nói của kẻ trồng dâu, chăn tằm, cày ruộng. Đó là những khối đơn vị ngôn ngữ đã được chắt lọc từ trong sâu thẳm của tâm hồn ông cha được Nguyễn Du dệt vào ngôn ngữ văn chương Truyện Kiều.

Để có thể khám phá vẻ đẹp kiệt tác Truyện Kiều, thì thành ngữ và việc dùng thành ngữ của Nguyễn Du là một góc tiếp cận rất quan trọng. Qua góc tiếp cận này, chúng ta không chỉ hiểu được tâm hồn, tài năng của thi hào mà còn tiếp nhận được rất nhiều tri thức cuộc sống vô cùng giá trị.

Phạm Quang Ái (Hà Tĩnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)