Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh niên được việc, học sinh được nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Người lao động được các đơn vị tuyển dụng tư vấn vị trí ứng tuyển phù hợp với năng lực Ảnh: N.Anh

Vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Nhà Bè tổ chức “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm” cho học sinh (HS) và người lao động. Ngày hội không chỉ định hướng phân luồng cho HS THCS, THPT mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng của bản thân cho hàng trăm thanh niên trên địa bàn huyện.
Nâng tay nghề, giải quyết thất nghiệp
Có mặt tại gian hàng tư vấn xin việc, anh Đinh Viết Cường (xã Phú Xuân) không giấu được vẻ lúng túng. Đây cũng là lần đầu tiên, anh cầm đơn xin việc trực tiếp với đơn vị tuyển dụng. “Tui đến đây từ sáng, không kịp ăn sáng vì sợ hết lượt. Nhà nghèo, ba mẹ mất sớm, phải lo cho các em nên trước đây tui đâu được học hành đến nơi đến chốn. Đến đây, nhân tiện hỏi xem có trường trung cấp nghề nào tuyển học viên chưa hoàn thành chương trình THCS hay không. Thấy mấy đứa đi học mà ham, mình vẫn còn trẻ, nếu học được thì cứ học”, anh Cường thổ lộ. 
Chị Hà Thị Mỹ đến ngày hội để mong có được việc làm ổn định và mang theo một số văn bằng, chứng chỉ “gốc” vì sợ… người ta kiểm tra. Chị ra trường gần nửa năm nay nhưng đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu của doanh nghiệp. “Mình học trung cấp kế toán nên hơi khó xin việc. Nghe ở đây có ngày hội việc làm nên đến thử xem sao, biết đâu lại có cơ hội. Với lại, mình cũng đang có ý định học liên thông lên CĐ, ĐH nên muốn nhờ thầy cô Ban tư vấn tuyển sinh hướng dẫn thêm”, chị Hà nói.
Vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn văn phòng 2 Bộ GD-ĐT cho biết, hiện TP.HCM có rất nhiều trường trung cấp tuyển sinh đối tượng chưa tốt nghiệp THCS và THPT. Học viên khi vào học sẽ được học song song 2 chương trình: Đào tạo nghề và tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông với thời gian khoảng 3 năm đối với THCS và 2 năm đối với học viên đã hoàn thành THPT. Đối với học viên chưa có bằng tốt nghiệp THPT, sau khi học xong, các em sẽ được cấp bằng trung cấp TCCN và một giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. Với bằng cấp này, các em vẫn được liên thông lên các bậc CĐ, ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo thống kê từ Ban tổ chức, đã có hơn 700 lao động được tư vấn trong Ngày hội hướng nghiệp giới thiệu việc làm. Trong đó số lao động được các doanh nghiệp tuyển trực tiếp tại ngày hội là 266 người, số còn lại đăng ký việc làm và sẽ được các đơn vị tuyển dụng xem xét khi có việc làm phù hợp.
HS sẵn sàng học nghề
Ngoài người lao động, số lượng HS theo học tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện là đối tượng được Ban tổ chức ngày hội chú trọng trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Là khu vực ngoại thành, các em vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển nên không có sự cạnh tranh gay gắt như những trường khu vực nội thành. Tuy nhiên, nhiều em nhận thấy năng lực học tập của mình khó theo nổi chương trình THPT nên muốn tìm hướng đi khác. Em Nguyễn Ngọc Thùy Dương (lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ) phân vân: “Điểm tổng kết các môn học của em chỉ ở mức trung bình, gia đình em lại khá khó khăn nên em muốn học xong lớp 9 sẽ học ở trường nghề. Vậy có trường nào đào tạo nghề thiết kế thời trang hoặc công nghệ thông tin cho HS chỉ tốt nghiệp THCS hay không?”.
Gỡ rối thắc mắc này, thầy Trần Văn Lam (Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay: “ĐH không phải là con đường duy nhất bước vào đời. Nếu học khá, các em nên xét tuyển vào THPT và thi vào các bậc cao hơn. Nhưng nếu học lực chỉ ở mức trung bình, các em nên học nghề. Nếu học nghề, các em sẽ có những thuận lợi như giảm bớt chi phí học tập, rút ngắn thời gian vào đời vì đến lúc 18 tuổi là các em sẽ có được tay nghề để đi làm, chung tay phụ giúp gia đình”.
Một tín hiệu đáng mừng trong chương trình là sau ngày hội, đã có 75 HS các trường THCS đăng ký theo học trung học chuyên nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè, 148 học viên đăng ký các khóa học ngắn hạn. Có thể nói, ngày hội là cầu nối giữa người lao động, HS với các đơn vị tuyển dụng và các cơ sở đào tạo nghề, góp phần phát triển thị trường lao động, kinh tế của huyện Nhà Bè.
Dương Bình – Ngọc Anh
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: “Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn đã làm cho một số lượng lớn lao động từ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Huyện có gần 60.000 người trong độ tuổi lao động, trong số đó nhiều người trình độ văn hóa, tay nghề thấp. Do đó, việc giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho đối tượng này là một trong những nhiệm vụ được Huyện ủy đặt lên hàng đầu”.
Box: Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM khẳng định: “Việc định hướng, phân luồng để các em có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình là mục tiêu được được Báo Giáo Dục TP.HCM đặt ra ở mỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp. Đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đặt ra theo chỉ thị 10 của Bộ Chính trị phấn đấu từ nay đến 2020 có ít nhất 30% HS sau THCS vào các trường TC nghề, TCCN và CĐ nghề. Bên cạnh đó, ngày hội góp phần cùng huyện Nhà Bè cân đối nguồn nhân lực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, cũng như quá trình xây dựng nông thôn mới đang diễn ra”.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)