Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thanh niên khởi nghiệp: Bài 1: Từ người bán thành… nhà sản xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Ông chủ trẻ Lâm Huỳnh Thiện Lương với sản phẩm kẹo que của cơ sở
22 tuổi, lại là sinh viên (SV) năm cuối, nên việc trở thành giám đốc một công ty là điều thật khó tưởng tượng đối với nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, Lâm Huỳnh Thiện Lương, SV ngành cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã làm được điều đó.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để trở thành một giám đốc cơ sở sản xuất kẹo que mang thương hiệu Hạnh Phúc, có trong tay đội ngũ nhân viên gần 50 người và kiếm được số tiền mà nhiều bạn trẻ phải mơ ước, Lương đã phải tự trải nghiệm nhiều bài học đắt giá ở… trường đời.
Chàng SV có nhiều ý tưởng
Sinh ra trong gia đình đông con, lại không khá giả nên 17 tuổi, Lương đã bắt đầu tập tành bán kẹo que kiếm sống. Để khắc phục tính tự ti, nói ngọng, Lương chấp nhận làm nhân viên phục vụ theo giờ tại một cửa hàng KFC trong suốt 6 tháng với mức thu nhập chỉ 7.000 đồng/giờ. Thấy mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng trong giao tiếp, Lương đã học cách giao tiếp với khách hàng, tham gia các chương trình đào tạo do cửa hàng tổ chức; đồng thời còn đăng ký một khóa học kỹ năng và buộc mình phải tiến bộ mỗi ngày trong giao tiếp và ứng xử. Sau mỗi buổi học, Lương lại tự bắt chước giọng điệu, cử chỉ của giáo viên, tự soạn giáo trình rồi tưởng tượng mình là… người đang thuyết giảng trước hàng chục, hàng trăm người. Say sưa “nhập vai” tới mức, Lương có thể tự tưởng tượng và thuyết giảng ở bất cứ đâu, kể cả trong… toilet. Kết thúc khóa học, Lương trở thành học viên xuất sắc và được giữ lại trung tâm làm cộng tác viên. Cũng thời điểm này, ý định mở quán cà phê sân thượng bắt đầu nhen nhóm trong suy nghĩ của chàng SV 19 tuổi.
Đem ý định này chia sẻ với người thân, Lương gặp phải sự phản đối kịch liệt, thậm chí còn bị dọa “nếu muốn làm thì đi ra khỏi nhà”. Chấp nhận liều lĩnh, Lương tìm đến vài người bạn cùng ý tưởng khi trong tay chỉ có vài bộ quần áo và giấy tờ tùy thân. Không có nhiều vốn, vị trí mở quán còn chưa hoàn thiện nên chủ mặt bằng chấp nhận mọi giao dịch đều thỏa thuận bằng… miệng. Thế nhưng, khi quán đã ổn định và bắt đầu có lãi, chủ mặt bằng lại lật lọng đòi lại mặt bằng chỉ sau 5 tháng hoạt động. Thất bại đầu đời đủ để Lương và những người bạn tham gia dự án rút ra kinh nghiệm đắt giá: Không thể tin mọi giao dịch khi không được thể hiện ra bằng văn bản.
Hai tháng sau thất bại của dự án quán  cà phê sân thượng, Lương lại bắt tay vào dự án nhà trọ: Thuê một căn nhà lớn, ngăn phòng rồi cho thuê lại. Thời gian này, Lương cũng thử sức mình bên lĩnh vực kinh doanh khi “lấn sân” sang làm nhân viên bảo hiểm, môi giới bất động sản, bán quần áo lề đường, thu mua đồ cũ… vừa để kiếm tiền, vừa để tích lũy cho mình những kinh nghiệm đáng giá.
Thành công chỉ đến với người biết nỗ lực
Dự án kẹo que của Lương chỉ mới thực sự bắt đầu từ tháng 3-2013. Cơ sở sản xuất kẹo que trước đây vốn là của một người bà con gặp khó khăn nên buộc phải giải thể. Lương đứng ra tiếp nhận, tìm hiểu thủ tục giấy tờ, điều lệ kinh doanh rồi lập ra cơ sở sản xuất kẹo que mới mang thương hiệu Hạnh Phúc với thông điệp gần gũi “trao ngọt ngào, gửi yêu thương”. Ban đầu, Lương lập ra một nhóm nhân viên nghiên cứu về hương vị, hình thù và xu hướng, nhu cầu của khách hàng khắp các vùng miền về sản phẩm. Sau gần một tháng, sản phẩm kẹo que Hạnh Phúc đã ra đời và được khách hàng thích thú bởi những hình thù ngộ nghĩnh, mùi  hương, vị ngọt độc đáo. Hiện tại, với đội ngũ nhân viên kinh doanh có mặt ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước, mỗi tháng cơ sở sản xuất 100.000 cây kẹo vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Là “ông chủ” trẻ tuổi nhưng Lương đã vạch ra chiến lược kinh doanh khá chắc chắn bằng cách mở rộng thị trường, đào tạo kỹ năng giao tiếp bán hàng cho nhân viên, có chế độ chăm sóc khách hàng là những đại lý nhận bỏ kẹo que bằng những bao lì xì, món quà nhỏ vào dịp lễ tết…
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp khi số vốn ban đầu chỉ bằng 0, Lương cho rằng, thành công chỉ đến với những người biết nỗ lực hết mình. “Nhiều bạn trẻ thường đổ lỗi cho vấn đề vốn để trì hoãn việc thực hiện một ý định nào đó. Thật ra, chỉ cần có quyết tâm, bạn sẽ nghĩ ra cách để khắc phục những khó khăn đó. Để có tiền kinh doanh, tôi phải vay mượn rất nhiều bạn bè, có người 1 triệu đồng, có người chỉ vài ba trăm ngàn đồng. Nhưng khi đến kỳ hạn phải trả, tôi không nề hà làm bất cứ công việc “mì ăn liền” nào từ phát tờ rơi, thu mua đồ cũ, bán quần áo lề đường cho đến làm bảo vệ dù chỉ được ngủ 2 tiếng/ngày… để trả tiền đúng hạn cho họ. Trong làm ăn, tạo và giữ được chữ tín là điều hết sức quan trọng. Khi tạo được uy tín, vấn đề mượn tiền, đề nghị hợp tác, xoay vòng vốn sẽ không còn là trở ngại đáng kể”, Lương phân tích.
Ông chủ trẻ này cũng nhấn mạnh: “Khi thấy người khác gặp khó khăn, bạn cũng đừng ngần ngại giúp đỡ họ. Nó giống như quy luật của một ly nước, khi thấy người khác khát, bạn chia sẻ nước qua ly của họ. Đổi lại, khi bạn khát, nguồn nước trong ly cạn, những người khác cũng sẽ nhiệt tình lấy nước từ ly của họ để giúp đỡ bạn”.
Bài, ảnh: Linh Vy
Không những tạo việc làm cho nhiều SV, cơ sở kẹo que Hạnh Phúc còn là nơi nhận nhiều người khuyết tật vào làm trong khâu sản xuất, gia công sản phẩm.
 

Bình luận (0)