Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thanh niên khởi nghiệp: Bài cuối: Không đi sao biết đường dài!

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Võ Quang Hoàng chia sẻ kinh nghiệm trong một buổi hội nghị khách hàng
Đi máy bay với giá vé chỉ từ 9.000 đến 99.000 đồng, điều tưởng như chỉ có trên các… tờ rơi lại mang đến cho Võ Quang Hoàng bước khởi nghiệp vững chắc đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh. Hơn thế nữa, những tấm vé có giá rất rẻ đó đã mang lại cho khách hàng những lợi ích đáng kể về kinh tế. 
27 tuổi, chàng trai từng tốt nghiệp ngành kế toán kiểm toán Trường ĐH Tài chính Marketing này đã là nhà phân phối vé máy bay của nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế với 4 hệ thống được đặt tại TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai và Tiền Giang. Hiện hệ thống thứ 5 đặt tại Cần Thơ đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động.
Đường khởi nghiệp nhiều gian nan
Thoạt nghe, ai cũng nghĩ để trở thành “ông chủ” khi tuổi đời còn trẻ như thế, hẳn Hoàng phải có một hậu phương vững vàng về kinh tế. Cụ thể, gia đình Hoàng hoặc không thuộc tầm cỡ đại gia cũng vào hàng “có của ăn của để” thì anh mới dám thành lập một công ty như thế. Nhưng không, gia đình Hoàng cũng chỉ “thường thường bậc trung” như bao gia đình khác. Thậm chí, để nuôi sống chính mình trong những năm học ĐH, Hoàng đã phải làm qua rất nhiều công việc từ nhân viên bán xăng, trông coi tiệm internet, phục vụ nhà hàng cho đến rửa xe, bảo vệ… để kiếm tiền chi tiêu hàng tháng. Và có lẽ mọi việc sẽ không có gì thay đổi, Hoàng sẽ là một nhân viên ngày làm 8 tiếng như bao người bình thường khác nếu không có một lời “kích động” của ông chủ tiệm internet trong giây phút nóng nảy “tao có tiền, tao có quyền” khi bị anh làm phật ý. Câu nói tưởng như vô tình ấy đã nung nấu trong đầu chàng sinh viên 20 tuổi một hướng đi khác, đó là kinh doanh.
Để ươm mầm, nuôi sống ý định ấy, Hoàng xác định mình cần phải có nền tảng cơ bản trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này. Ra trường, trong khi bạn bè cùng lớp người nghỉ “xả hơi” sau chặng đường dài học tập, kẻ loay hoay đi tìm kiếm công việc đúng với chuyên ngành thì Hoàng lại bắt đầu thử sức ở vị trí nhân viên kinh doanh cho một công ty bất động sản. Rồi liên tục trong 8 tháng, Hoàng “nhảy” liên tiếp 3 công ty trong nhiều lĩnh vực với các vị trí: Nhân viên, trưởng phòng, giám đốc kinh doanh. Ai không hiểu chuyện sẽ nghĩ Hoàng là kẻ cả thèm chóng chán, khó ở một vị trí ổn định. Nhưng với Hoàng đó chính là khoảng thời gian anh thử thách… chính mình. Cũng bởi do đặt ra mục tiêu phải học hỏi thật nhiều nên trong công việc Hoàng luôn nỗ lực gấp 2-3 lần so với người khác. Làm nhân viên kinh doanh bất động sản, trong khi những người khác chỉ đi khảo sát 20-30 căn nhà thì Hoàng phải đi gấp 3 lần con số đó, rồi chọn ra những căn có vị trí đẹp nhất, giá tốt nhất để giới thiệu cho khách. Sau 2 tháng làm việc, Hoàng không chỉ là nhân viên duy nhất trong 6 người xin vào làm việc cùng lúc trụ lại mà còn trở thành nhân viên xuất sắc nhất công ty dù thời điểm đó bất động sản đang trên đà tuột dốc…
Khi làm giám đốc kinh doanh cho một công ty quảng cáo, Hoàng chấp nhận mức lương chỉ với 1 triệu đồng/tháng và cố gắng hoàn tất kế hoạch bằng tất cả kỹ năng và sức lực của mình.
Hãy biết đặt câu hỏi “Tại sao?”
25 tuổi, Hoàng chính thức thành lập công ty của chính mình khi trong tay chỉ có vài triệu đồng để… xin giấy phép kinh doanh. Tiếng là công ty nhưng tất cả mọi việc từ xử lý thông tin khách hàng, giao vé, rà soát sổ sách… đều đến tay giám đốc. Ở thời điểm các đại lý bán vé máy bay nở rộ, Hoàng quyết định tập trung theo hướng “săn” vé máy bay giá rẻ cho khách hàng. Bước đầu khởi nghiệp, mọi “hỉ, nộ, ái, ố” của khách hàng anh đều cố gắng nhẫn nhịn. “Săn” vé không được khách nản lòng, “săn” không đúng thời điểm khách phiền lòng, thậm chí “săn” được mà giờ bay trễ khách cũng thẳng thừng từ chối. Quy định của hãng hàng không là phải trả tiền trước khi xuất vé và không cho hoàn lại tiền với vé giá rẻ, nên 5-7 vé bị khách hàng từ chối trong cùng một thời điểm cũng khiến Hoàng mất một khoản tiền không nhỏ.
Làm giám đốc, nhưng có thời điểm anh phải “muối mặt” khi liên tiếp mượn tiền bạn bè để xuất vé cho khách, dù số tiền đó chỉ là mấy trăm ngàn đồng. Nhiều lần va vấp, Hoàng bắt đầu có kinh nghiệm chọn lọc khách hàng, xác nhận thông tin kỹ lưỡng trước khi xuất vé và luôn đặt mình ở vị trí nhân viên để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Sau gần 2 năm hoạt động, các hệ thống bán vé của anh đã có doanh thu gần 8 tỷ đồng/năm, xuất gần 1.000 vé giá rẻ phục vụ khách hàng, giúp họ tiết kiệm tối đa kinh phí cho mỗi chuyến đi xa.
Nói về lý do nhiều người trẻ thường đổ lỗi do thiếu kỹ năng và vốn để trì hoãn công việc khởi nghiệp, Hoàng cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện cho việc thiếu động lực, thiếu sự thôi thúc nơi chính họ. “Hãy cứ bắt tay vào làm đi, rồi bạn sẽ hiểu mình cần gì, sẽ biết mình phải sửa sai những gì. Nhưng chỉ nên bắt đầu khi bạn đã chắc chắn mình đã quan sát kỹ, đủ chuyên môn ở từng lĩnh vực cụ thể và đủ tinh tế để nắm bắt thị hiếu khách hàng trước khi bắt tay vào thực hiện nó. Muốn mở quán cà phê phải hiểu được kiến thức về cà phê, gu cà phê theo từng vùng miền… Muốn xâm nhập vào thị trường bán vé máy bay, bạn phải nắm được cách thức chuyên môn đặt vé, quản lý vé và thông tin khách hàng. Và trước khi khởi nghiệp, hãy biết đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại chọn dịch vụ này?”, “Tại sao khách hàng cần nó?”, “Tại sao khách hàng chọn tôi?”… để xác định đúng mục tiêu khởi nghiệp”, Hoàng chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Làm nhân viên kinh doanh bất động sản, trong khi những người khác chỉ đi khảo sát 20-30 căn nhà thì Hoàng phải đi gấp 3 lần con số đó, rồi chọn ra những căn có vị trí đẹp nhất, giá tốt nhất để giới thiệu cho khách.
 

Bình luận (0)