Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh niên nông thôn “ly nông bất ly hương”

Tạp Chí Giáo Dục

Xa rồi thời sáng sáng vác cuốc ra đồng hay bỏ quê lên thành phố tìm việc, hiện nay thanh niên nông thôn (TNNT) các vùng quy hoạch tự trang bị cho mình hành trang vào đời với quan niệm “cái nghề đi trước tiền rước về sau”.

Không làm thầy thì cũng là thợ

Quán cà phê sân vườn nằm cạnh khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc, Long An) từ lâu là điểm tụ tập đánh bạc của thanh niên trong xã. “Nay đã khác trước rồi, tụi nó không còn ham chơi, quậy phá nữa, uống cà phê xong là tụi nó đi học”.Thanh niên huyện Nhà Bè tại ngày hội việc làm của huyện năm 2008 Anh Nguyễn Văn Chiến, chủ quán nói như khoe. Quả thật, dãy bàn phía sau chúng tôi, hàng chục thanh niên ngồi chụm đầu vào nhau bên một tờ rơi giới thiệu các ngành nghề do trung tâm dạy nghề của huyện chiêu sinh. Thanh niên sôi nổi bàn tán, góp ý nhau để chọn nghề phù hợp với sở trường và nhu cầu tuyển dụng. Hùng, 19 tuổi phân trần: “Kiếm cái nghề cho chắc, các công ty trong khu công nghiệp đang cần công nhân, lương thấp lắm cũng 1,5 triệu đồng/tháng lại làm gần nhà”. Tuấn thêm vào: “Hồi đó không có tiền thì không nói gì, bây giờ có dại gì mà không học”. Thấy sắp trẻ bỏ rượu chè, cà phê cà pháo lo học nghề, học việc đón gió ông Huỳnh Tấn khấp khởi: “Lúc vùng đất này mới quy hoạch, hầu như nhà nào cũng có chút đỉnh tiền. Ở đây, con trai học đến lớp 9, ráng lắm thì lên lớp 12 là nghỉ học làm thuê làm mướn. Không có đứa nào làm thầy nhưng sắp tới đây đứa nào cũng được làm thợ, tụi nó có thể tự lo cuộc sống cho mình, cha mẹ cũng yên tâm”.

Bỏ dở việc học từ cuối năm lớp 9, Nguyễn Mạnh Xuân (xã Long Hậu huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) theo cha phụ hồ với ngày công 40.000 đồng/ ngày. “Khi nhà có chút đỉnh tiền bồi thường đất của khu công nghiệp, em xin gia đình đi học nghề sửa điện thoại di động. Hơn một năm sau em đã xin được việc làm ở trung tâm bảo hành điện thoại di động” – Xuân cho biết. Nhận thấy mình còn thua kém nhiều người, ngay sau khi nhận tháng lương đầu tiên, Xuân đến ngay trung tâm đóng tiền học thêm vi tính để xóa mù tin học.

Cầm hơn một tỷ đồng bồi thường đất ở khu công nghiệp Hiệp Phước, sau khi mua một căn nhà cấp bốn và một khoảng đất để trồng và kinh doanh cây cảnh ở xã Phước Kiển, ông Nguyễn Văn Bính bàn với vợ cho hai thằng con trai hư hỏng đi học nghề. Bà Hạnh vợ ông Bính hào hứng nói: “Thời bây giờ trồng trọt không đủ sống mà cũng không còn đất nông nghiệp nữa, lấy tiền đó cho tụi nó đi học coi như cho tụi nó làm vốn về sau”. Được biết, con trai út của ông Bính (24 tuổi) đã từng bị công an địa phương bắt vì tội trộm cắp xe máy để có tiền tiêu xài. Còn đứa đầu là một “ma men” thứ thiệt và nổi tiếng hung hăng trong huyện nhưng hiện nay, hai con của ông là tấm gương sáng để thanh niên trong làng noi theo.

Cái nghề đi trước… tiền rước về sau

Trong một hội thảo nghề nghiệp, Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc nhân sự Công ty Kim Vạn Thành lưu ý: “Không thể làm thầy thì làm thợ, song đã là thợ thì phải phấn đấu để đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội”. TNNT ngày nay biết đi tắt, đón đầu và liên tục cập nhật thông tin để tránh lạc hậu trước sự phát triển vượt bật của các ngành công nghệ cao. Đặng Hoàng Quân (Bình Chánh) từ một cậu thanh niên sống phận “tầm gửi” nay là chuyền trưởng Công ty may Nhà Bè. Quân kể: “Khi còn là công nhân mình bị tổ trưởng mắng hoài vì thường xuyên đi làm trễ, không có ý chí cầu tiến mình rất giận nhưng nghĩ lại họ la cũng là quan tâm tới mình chứ không ghét bỏ gì. Từ đó, mình cố gắng phấn đấu, không lâu sau được mọi người tín nhiệm và đề bạt lên chuyền trưởng. Nhận thấy vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình không thể đáp ứng yêu cầu công việc trong vài năm tới, mình mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo công ty xin một suất đào tạo nâng cao tay nghề  ở nước ngoài. Nếu được chấp thuận, mình sẽ cố gắng không ngại khó, ngại khổ để học cho đến nơi đến chốn để bắt kịp với công việc ngày càng hiện đại hơn”.   

Mới đây, trong ngày hội tư vấn nghề nghiệp huyện Nhà Bè thu hút hàng trăm thanh niên trong huyện đến đăng ký tư vấn nghề. Ban tổ chức liệt kê có hàng chục thanh niên vô công rỗi nghề nhưng đến nay con số ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số ấy có không ít thanh niên đã chán cảnh chơi bời, như Nguyễn Thành Tân (23 tuổi, xã Hiệp Phước) là một ví dụ. Tân tốt nghiệp THPT cách đây bốn năm, thuộc gia đình khá giả nhưng không chịu đi học tiếp mà suốt ngày đàn đúm ở quán cà phê, la cà ở quán nhậu. Nhớ lại những chuỗi ngày sống “vô nghĩa”, Tân tâm sự: “Chơi như thế thấy cũng đủ rồi vừa uổng phí mấy năm trời vừa mất tiền của gia đình. Hơn nữa, bạn bè giờ đứa nào cũng có việc làm ổn định, mình phải phấn đấu theo thôi anh à. Thức tỉnh được trong thời kinh tế địa phương đang phát triển là điều cần thiết. Mình sẽ cố gắng thôi”. Được biết Tân hiện là chủ một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng và trang trí nội thất trong huyện. Bà Nguyễn Thị Gái, mẹ của Tân kể: “Nhiều đêm tôi khóc vì vui sướng khi hai con thay đổi tính tình, biết lo làm ăn. Thằng Chiến (em trai của Tân) thấy anh trai chí thú học nghề, học việc làm ăn cũng bán bầy heo lấy tiền đi học nghề sửa chữa máy tính, ra trường đi làm công được hai năm bây giờ ra mở tiệm mua bán, sửa chữa cũng khá lắm”.

Tốt nghiệp 12 xong, Nguyễn Bá Thanh (22 tuổi) đi bán vé số. Tháng tư năm nay, Thanh có tên trong danh sách trao tặng học bổng nghề do Công ty cổ phần Long Hậu tài trợ. Thanh chia sẻ: “Muốn đi học tiếp nhưng gia đình khó khăn quá nên đành đi bán vé số và phụ giúp mẹ chăn nuôi heo. Bây giờ đi học cũng chưa muộn, em sẽ cố gắng học tốt để tìm một chỗ làm ổn định trong khu công nghiệp”.

“Cho cần câu hơn cho con cá”, ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu nhìn nhận việc chăm lo đời sống cho thanh niên trên địa bàn là một việc làm hết sức cấp bách. Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề cho thanh niên mà với một tỷ đồng, công ty đã nhắm đến việc đào tạo lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao cho thanh niên trong huyện để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trong khu công nghiệp Long Hậu.

Trần Trọng Tritc "Traàn Troïng Tri"

Bình luận (0)