Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh niên đến tìm việc làm tại Ngày hội Hướng nghiệp – việc làm của Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vào tháng 6-2010

Thanh niên đang chịu áp lực lớn về thất nghiệp. Số người thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên thường chiếm hơn 50% tổng tỷ lệ thất nghiệp chung. Từ năm 2000, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 4,8% nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 6% vào năm 2007 và còn có xu hướng tăng. Với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao những năm gần đây đã đặt ra nhiệm vụ tối cần thiết những năm trước mắt: cần tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên.

Thất nghiệp gấp 4 lần lao động lớn tuổi
Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA – Bộ LĐTB-XH) cho biết: Thất nghiệp trong thanh niên đang tăng cao với số liệu ghi nhận trong năm 2007 có tới già nửa số người thất nghiệp (52,5%) là thanh niên. Nếu tính trong tổng tỷ lệ thất nghiệp chung, thất nghiệp trong thanh niên đã tăng từ 4,8% trong năm 2000 lên 6% trong năm 2007. Theo tính toán của ILSSA, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên so với tỷ lệ thất nghiệp của người lớn đã tăng từ 3,1 tới 4 lần, cho thấy số lượng thanh niên kiếm việc làm có khả năng bị thất nghiệp cao gấp 4 lần so với LĐ lớn tuổi. Thêm vào đó, thất nghiệp trong nữ thanh niên tăng nhanh hơn so với nam thanh niên.
Cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã xảy ra làn sóng sa thải lao động do suy giảm kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, các số liệu thất nghiệp được công bố chỉ là phỏng đoán: khoảng 300.000 người. Năm 2010, chỉ sáu tháng đầu năm, số lượng người mất việc làm đã chiếm gần 30% tổng số lao động mất việc của thời kỳ nói trên. Theo Bộ LĐTB-XH, đã có 87.000 người đăng ký thất nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay; 50.057 người trong số đó được công nhận thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có 12.275 người tuổi dưới 24 và 31.366 người tuổi từ 25-40 trong số những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp nói trên. Bộ này cũng dự báo thời gian tới số người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng rất nhanh. Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTB-XH cho biết, ở những nơi thị trường lao động phát triển, thậm chí đang thiếu lao động, lại là nơi có số người thất nghiệp nhiều nhất, ví dụ như TP.HCM có gần 16.000 người được công nhận là thất nghiệp, Bình Dương có 10.513 người, Đồng Nai 3.786 người, Long An là 2.273 người…
Có một thế hệ thanh niên bên lề sự phát triển
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ở nước ta, nhiều người tuy không thất nghiệp nhưng thời gian làm việc ít. Cụ thể, số người thiếu việc làm hiện đang chiếm khoảng 5% lực lượng lao động. Có tới gần 90% lao động nông thôn đang thiếu việc làm. Điều này tương tự như cảnh báo từ ILO là đang có một “thế hệ thanh niên bên lề sự phát triển” – những thanh niên nông thôn ở các nước đang phát triển không có cơ hội tiếp cận với các cơ hội việc làm do không được đào tạo. TS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng: “Tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm VN sẽ tiếp tục là ưu tiên trong 5 năm tới. Chính phủ cần tập trung hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề và đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật cho nguồn nhân lực to lớn của VN; trong đó phải cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nghề hướng tới thị trường và nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát nhu cầu xã hội”. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Phú, Chuyên gia của ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: “VN cần tăng cường hạ tầng cơ sở và mạng lưới hệ thống dạy nghề và cải thiện khả năng tiếp cận nhất là cho thanh niên nông thôn. Do các mô hình di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn tiếp diễn, điều cốt yếu là phải hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận đào tạo nghề ở cả đầu đi (vùng nông thôn) và cả đầu đến (vùng đô thị)”.
Dự báo trong 5 năm tới, tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên là nhiệm vụ tối cần thiết. Ước tính năm 2015 sẽ có 8,9 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế và cần có những hỗ trợ đặc biệt cho quá trình chuyển đổi từ ghế nhà trường sang môi trường làm việc. Việc này đòi hỏi phải tăng cường khả năng tiếp cận của thanh niên với hệ thống hướng nghiệp, thông tin thị trường LĐ đầy đủ, hệ thống các cơ sở dạy nghề và chuyên môn nghiệp vụ theo định hướng thị trường.
Thiên Lam

Bình luận (0)