Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thành phố Beethoven

Tạp Chí Giáo Dục

Nơi nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven chào đời được gọi là thành phố Beethoven. Ngôi nhà của gia đình ông còn đó, giữa khu phố ồn ào, qua gần 300 năm vẫn vẹn nguyên.

Nhà của thiên tài
Không đâu khác, đấy chính là Bonn, thành phố từng là thủ đô của CHLB Đức từ năm 1949 đến 1990, bình yên bên bờ sông Rhein, thuộc bang North Rhine – Westphalia, miền nam nước Đức. Năm 1990, khi nước Đức thống nhất, Bonn hoàn thành vai trò lịch sử của mình, nhường trọng trách thủ đô cho Berlin. Mặc dù vậy, một nửa việc làm trong chính phủ, nhiều bộ và hàng loạt văn phòng cấp chính phủ vẫn còn ở lại hoạt động một cách bình thường tại Bonn. Trên thực tế, Bonn vẫn là thành phố liên bang. Nếu ngược dòng Rhein, đi khoảng 70 km nữa thôi là tới Hà Lan. Ngồi bên bờ sông, có thể thấy rất nhiều chuyến tàu của Pháp, Hà Lan chở hàng xuôi ngược. Đặc biệt là những chuyến tàu xếp đầy xe hơi Mercedes hay BMW, Volkswagen, Audi – những thương hiệu xe hơi làm nên tên tuổi nước Đức.
 
Mặt trước căn nhà của Beethoven ở Bonn – Ảnh: N.T.Tâm
Tới Bonn, phải tới nhà Beethoven. Trong kế hoạch chuyến đi của tôi, dòng chữ Beethoven’s House được tô đỏ. Bonn vào tháng 7 trời khá lạnh trong cái nắng dịu nhẹ, khác với Berlin có phần nóng nực bởi xe cộ tấp nập. Thành phố này từ lâu được mệnh danh là đô thị môi trường kiểu mẫu, không chỉ bởi toàn thành phố được phủ một màu xanh tươi mát của cây cối, mà tại đây, nhiều tổ chức bảo vệ khí hậu của thế giới đến đặt trụ sở. Từ bến xe buýt trung tâm thành phố, đi bộ băng qua quảng trường Chợ cũ xây từ năm 1737, rồi ngang qua Trường đại học Bonn 200 năm tuổi cổ kính danh tiếng hàng đầu nước Đức, đi thêm mươi phút nữa là đến nhà Beethoven ở số 20 Bonngasse. Bạn phải có bản đồ để tìm địa chỉ này, bởi nếu hỏi đường thì khó đến đúng nơi.
Nhà của thiên tài giáp mặt tiền đường, lẫn vào vô số căn nhà phố cùng phong cách kiến trúc cổ, có một trệt và hai lầu. Niềm vui sẽ vỡ òa với bất kỳ du khách nào khi thấy tấm biển nhỏ khiêm tốn gắn trên bức tường trước nhà, ghi rõ tên đầy đủ của nhà soạn nhạc: Ludwig van Beethoven. Bên trong ngôi nhà có khu vườn râm mát bóng cây, giàn hoa leo và những chậu hoa nhỏ đặt cao cao trên cửa sổ… Dù trong suốt thời thơ ấu, gia đình ông chuyển qua một số căn nhà khác lớn hơn, nhưng chỉ có căn nhà này là được bảo tồn khá tốt. Gian trước của tầng trệt dùng làm phòng bán hàng lưu niệm, mọi thứ đều gắn với cái tên Beethoven. Các phòng bên trong và trên lầu trưng bày nhiều hình ảnh, vật dụng và nhạc cụ, đặc biệt là cây đàn piano mà Beethoven từng sử dụng. Căn phòng, nơi mà Beethoven sinh ra vào tháng 12.1770, nằm ở tầng hai.
Biểu tượng của Bonn
Nhà Beethoven ở Bonn chính là nơi lưu giữ bộ sưu tập liên quan đến ông nhiều nhất trên thế giới. Đặc biệt là bộ 150 tài liệu gốc trong khoảng thời gian Beethoven sinh sống ở Bonn hoặc Vienna (Áo) và mất tại đây vào ngày 26. 3.1827. Có cả thảy 12 phòng trưng bày được đánh số thứ tự và phòng nơi mà ông được sinh ra không đánh số, để tiện cho khách tham quan. Ở đây không có người thuyết minh, du khách muốn tìm hiểu chỉ việc mang tai nghe cùng máy cài đặt sẵn thuyết minh với nhiều ngôn ngữ khác nhau, tới phòng nào chỉ cần bấm số thứ tự là có thể hiểu được hết nội dung trưng bày. Ngoài vườn, người ta đặt những chiếc ghế gỗ để khách ngồi ngắm giàn dây leo buông xuống từng đóa hoa rực rỡ.
Ở Bonn có rất nhiều thứ mang tên Beethoven. Một trong số đó là Nhà hát Giao hưởng Beethovenhalle. Nhà hát đầu tiên được xây dựng vào năm 1845, trên đường Munsterplatz. Sau đó xây lại vào năm 1870 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nhưng công trình bị phá hủy bởi Thế chiến thứ hai. Nhà hát thứ ba được thiết kế và xây dựng dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư danh tiếng người Đức Siegfried Wolske. Năm 1959, nhà hát hoàn thành và kể từ đó trở thành biểu tượng của Bonn. Beethovenhalle là nơi gìn giữ và bảo tồn âm nhạc của nhà soạn nhạc này, có hội trường lớn sức chứa 2.000 khán giả. Khi Bonn còn là thủ đô, Beethovenhalle chính là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị và lịch sử lớn. Năm 1996, tòa nhà được trùng tu với kinh phí lên đến hơn 11 triệu euro. Tất cả những gì liên quan đến Beethoven đều là vô giá, một tài sản không riêng của nước Đức…
Nguyễn Trần Tâm
Theo Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)