17 năm kể từ khi tách mình ra khỏi tỉnh Quảng – Đà, Đà Nẵng đã vươn mình lên vị thế của một thành phố năng động bậc nhất miền Trung. Nhắc đến Đà Nẵng, sẽ thiếu sót nếu bỏ quên điểm nhấn những cây cầu như chiếc “tao nôi” nối nhịp đôi bờ sông Hàn…
Nút giao thông Ngã ba Huế với 3 tầng tạo nên diện mạo mới cho Đà Nẵng |
Bến đò xưa đồng vọng
Bây giờ giới trẻ và du khách thập phương cứ mỗi đêm thứ năm hằng tuần lại thức đến 0 giờ, đợi xem chiếc cầu quay độc đáo nối đôi bờ sông Hàn vặn mình xoay để cho tàu bè sau những ngày lênh đênh biển cả trở về nghỉ ngơi trong lòng thành phố. Hình ảnh mỗi nhịp vặn xoay gợi nhắc nhiều người dân đôi bờ dòng sông về những năm tháng quê hương vừa bắt tay vào kiến thiết lại sau chiến tranh với muôn vàn gian khó! Ngày ấy, sự cách trở về dòng sông nơi cửa biển chất chứa nhiều hiểm nguy; cản trở phát triển kinh tế chất chứa trong câu ca dao vời vợi nỗi niềm của những người dân một nắng hai sương. Bà Trần Thị Ngọc Diệp – một cư dân từng có nhiều năm sống cảnh nghèo khó nhớ lại: “Ui cha, hồi xưa cách nay gần hai chục năm đó, khi ấy chỗ chân cầu sông Hàn ni là bến đò. Việc qua lại trên các chuyến đò ngang không có phương tiện phao cứu sinh hết sức nguy hiểm, gian nan vì chỗ này là cửa biển. Nhiều lúc muốn sang bờ Tây thành phố đi chợ Hàn, chợ Cồn hay ra ga tàu lửa, bến xe… đều phải lựa lúc lặng gió mới dám qua đò. Giao thông cách trở kéo theo đời sống kinh tế của bà con nghèo nàn, trẻ con thất học”.
Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước chỉ là một đô thị nhỏ bé. Ai có dịp đến đây thời gian này dễ dàng biết đến mảnh đất bên eo biển dưới chân đèo Hải Vân vỏn vẹn với hai quận chính là Hải Châu, Thanh Khê, một phần quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với diện tích chỉ tầm chưa tới 6.000ha. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Giao thông đi lại chủ yếu là đường đất. Muốn qua bờ Đông sông Hàn, không còn cách nào khác phải đi phà hoặc thuê các chuyến đò ngang. “Ngày ấy, mỗi ngày mình từ Hải Châu sang Đài Phát thanh Giải phóng Đà Nẵng ở bên Sơn Trà để đưa tin bài đều phải sang sông, đoạn cầu quay bây giờ đó. Ở đó có một chuyến phà nhưng phà chạy có giờ giấc nên để kịp các chương trình phát sóng, mình hay thuê các thuyền nhỏ, có khi là xin đi nhờ các bác ngư phủ đánh cá trên sông để đi qua. Sau giải phóng, Đà Nẵng gần như bắt đầu mọi thứ trên nền một đô thị bị bom cày, đạn xới, hoang tàn”, nguyên nữ phát thanh viên đầu tiên của Đà Nẵng – bà Nguyễn Thị Anh Trang chia sẻ.
Bến phà xưa nay đã nhạt dấu tích theo thời gian, theo nhịp sống đô thị hóa. Đôi bờ Hàn giang đã được bê tông hóa với sự trang trí bắt mắt, là nơi ngắm cảnh hút hồn của hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm tìm về. Ông Phan Tình, một ngư dân mái tóc đã ngả màu sương trắng, tần ngần đứng trên bến đò xưa: “Mười mấy năm sau giải phóng, thành phố đã xây nên cây cầu mới chấm dứt cảnh qua sông lụy đò, lũ trẻ tới trường mới thôi nỗi nhọc nhằn sang sông. Người làm nghề đưa đò, đưa phà chuyển sang nghề khác. Bến đò xưa trở thành chốn cũ trong nỗi nhớ khách sang sông!”.
Nối nhịp bờ vui
Cầu Trần Thị Lý – một trong những cây cầu dây văng hiện đại ở Đà Nẵng |
Năm 2000, cầu sông Hàn (cầu quay) đầu tiên được xây dựng. Với người dân Đà Nẵng, nhất là bà con ở bán đảo Sơn Trà đó là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình phát triển kinh tế, đời sống của họ. Cùng với các tuyến giao thông huyết mạch liên tục được mở ra như con đường Bạch Đằng Đông, Ngô Quyền, đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng… tạo nên một tâm thế mới, mở ra các khả năng phát triển về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… Một thuở nhà chồ ở vùng đất trũng Vũng Thùng (Sơn Trà) đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những ngôi nhà liền kề vững chãi, những căn hộ chung cư khang trang; những con tàu công suất lớn vươn khơi… Rồi liên tiếp những cây cầu: Tiên Sơn, cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương, Cẩm Lệ… được thi công. Trong khoảng chiều dài chỉ tầm 10 cây số đã có tới 7 cây cầu. Giao thông đi lại được giải tỏa, những cây cầu lặng lẽ như những chiếc “tao nôi” níu lại đôi bờ thay đổi hẳn bộ mặt đôi bờ Đông và Tây sông Hàn. Những cái tên đất tên làng như quận 3, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn một thuở đói nghèo, lạc hậu được vực dậy, vươn mình tiến ngang với các quận trung tâm.
Không dừng lại ở đó, dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng, Đà Nẵng khánh thành, đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao thông Ngã ba Huế 3 tầng hiện đại. Kể từ thời điểm này, điểm đen tai nạn giao thông từng khiến nhiều người kinh hồn bạt vía mỗi lần ngang qua đoạn đường này được xóa bỏ. Giờ đây, không cần đến chiếc barie chặn dòng lưu thông của đường bộ, ô tô xe máy, xe thô sơ với tàu hỏa. Nhìn xa hơn, cây cầu đi vào hoạt động không chỉ mở ra cơ hội cho trục Tây Bắc của thành phố – nơi có quận Liên Chiểu – một trong những khu vực còn chiếm đa số dân cư lao động nghèo có điều kiện phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm thành phố mà còn là trục đường thông thương quan trọng nối hai miền Bắc – Nam.
Những cây cầu thể hiện tầm nhìn xa của Đà Nẵng. Với kiến trúc rất độc đáo riêng có tạo nên điểm đến của hàng triệu lượt khách du lịch. Cách nay 17 năm, Đà Nẵng chỉ là một đô thị quá nhỏ bé trước TP.HCM và Hà Nội, kể cả quy mô địa lý, dân số đến hạ tầng kinh tế. 17 năm! Người Đà Nẵng đã nỗ lực vượt bậc để tạo dựng nên một thành phố với hàng trăm công trình ấn tượng, những công trình “gần lại với trăng sao” như nốt nhạc điểm xuyết trong không gian bên bờ biển thơ mộng. Một Đà Nẵng là thành phố động lực – trung tâm chính kinh tế, văn hóa của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Nói như lời bà Anh Trang – nữ phóng viên chiến trường – người đầu tiên thực hiện chương trình phát thanh giải phóng Đà Nẵng: “40 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã khoác chiếc áo hoàn toàn mới. Sự đổi thay kỳ diệu ấy, trước hết phải kể tới những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn. Chính những cây cầu là điểm nhấn, là điểm khởi phát tạo động lực cho thành phố phát triển như ngày hôm nay!”.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)