Đây là mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM cũng như nhân dân TP.HCM, nhân dân các quận 2, 9 và Thủ Đức khi xây dựng TP.Thủ Đức. Theo đó, TP.Thủ Đức có 34 phường và giáp các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. TP này được xem là có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Xung quanh việc thành lập TP mới TP.Thủ Đức (trực thuộc TP.HCM), Báo Giáo dục TP.HCM xuân Tân Sửu 2021 xin trích đăng ý kiến của một số lãnh đạo TP.HCM…
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Thành lập TP.Thủ Đức rồi thì sẽ không chia nhỏ nữa. Nhưng để thành lập TP lớn hơn Thủ Đức thì chắc chắn còn lâu. Cho nên thành lập TP này phải có giá trị khoảng 50 năm hoặc lâu hơn nữa. Mặt khác, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, nơi nào làm kinh tế mà chỉ nói đến kinh tế là thất bại, phải nói đến cả điều kiện sống của con người. Cho nên, phải xây dựng phát triển TP.Thủ Đức thành nơi mang đến cơ hội cho các lớp cán bộ, nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên TP khẳng định, trưởng thành và cống hiến. Xây dựng nên một TP hiện đại, TP văn hóa, TP hội nhập, TP đáng sống vào bậc nhất của Việt Nam. Cùng với đó, TP.Thủ Đức là TP kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi phải tập trung số hóa tài nguyên. Bởi không có tài nguyên số thì trí tuệ nhân tạo không có điều kiện làm việc.
Để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế tri thức, TP.Thủ Đức hôm nay đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng. Đó là Khu Công nghệ cao TP.HCM (rộng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD); Khu trường đại học với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên; Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực; Hệ thống viễn thông 5G; Hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, tàu điện ngầm, cảng container Tân Cảng lớn nhất Việt Nam); Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (100ha); Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa quận 2, Bệnh viện Ung bướu… Diện tích TP.Thủ Đức là 21.157ha và dân số là 1,17 triệu người (theo quy hoạch dự kiến dân số là 2 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060) đủ lớn để tạo môi trường và lực phát triển tại chỗ.
Và theo quy hoạch sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới như: Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Công viên phần mềm Quang Trung TP.Thủ Đức; Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN; Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (222ha)…
Như vậy, với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, tạo sự tương tác cao giữa các cấu phần thì TP.Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế
Đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 17 đoàn tàu được sản xuất cho tuyến đường sắt Metro số 1 từ Nhật Bản về TP.HCM
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Mô hình “TP trong TP” là mô hình đầu tiên của cả nước nên chưa được luật quy định cụ thể. Do đó, căn cứ vào Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, TP.HCM sẽ chủ động và khẩn trương xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TP.Thủ Đức phát triển mạnh mẽ, thành một mô hình kiểu mẫu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. TP.HCM đã có sự chủ động chuẩn bị các công việc trước, tuy nhiên mọi việc hiện chỉ mới bắt đầu và phía trước còn nhiều việc cần phải làm. Trong đó có những việc chưa lường hết được và có những khó khăn phải vượt qua. Song chúng ta có khát vọng, quyết tâm, niềm tin và sự đoàn kết, năng động, nghĩa tình cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía, chúng ta sẽ thành công.
Lao động trong Khu Công nghệ cao TP.HCM với trang thiết bị hiện đại
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Mục tiêu cốt lõi của TP.Thủ Đức là trở thành “hạt nhân” thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. Ngoài ra, TP.Thủ Đức còn đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa cho cả vùng Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây.
Việc thành lập TP.Thủ Đức còn góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bởi TP.Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GRDP TP.HCM và 7% GDP cả nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Thủ Đức Phạm Hoài Minh Tân
Với vị trí địa lý thuận lợi, quy mô, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, dân số của ba quận (2, 9 và Thủ Đức) ngày càng lớn thì việc thành lập TP.Thủ Đức là chủ trương kịp thời, đúng đắn. Vì ở quy mô cấp quận, cơ chế sẽ không thể khơi dậy hết tiềm năng vùng đất này. Đơn cử những năm đầu thập niên 90, ở Thủ Đức, Khu chế xuất Linh Trung 1 bắt đầu hình thành, tạo nên bước ngoặt mở ra một đời sống nhộn nhịp. Tiếp đến là Khu chế xuất Linh Trung 2, Khu công nghiệp Bình Chiểu; rồi nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng chọn Thủ Đức đặt cơ sở, các khu dân cư đô thị dần được định hình. Cụm đại học phía Đông đang cơ bản thành các trường đào tạo trọng điểm. Các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo điều kiện chuyển giao khoa học công nghệ cho các địa phương khác. Hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường huyết mạch như Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội nối Thủ Đức đến trung tâm TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… cho thấy sự phát triển ngày càng nhanh, đòi hỏi có cơ chế mới phù hợp hơn.
Minh Phương
Bình luận (0)