Trở lại khu vực trồng rau ở đường số 8, khu phố 3, phường Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM, nơi mà cuối tuần qua, phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM đã bắt quả tang chiếc xe hút phân hầm cầu biển số 54X–2420 xả xuống, chúng tôi ghi nhận đến thời điểm hiện nay, nhiều người dân vẫn dùng phân hầm cầu tưới, bón trực tiếp vào rau
Đống phân hầm cầu được dùng để bón rau, có rãnh nối thông với ao nước cạnh đó
|
Ít chi phí nhờ bón phân hầm cầu
Khu vực trồng rau nằm bên cạnh một hồ nước lớn, còn phía bên kia là dự án của trường đại học Quốc gia đang xây dựng.
Bên cạnh ao nước là một đống chất thải nhầy nhụa màu đen, được một chủ đám rau xanh (không xưng tên) cho biết, đâu là chất thải được xe hút hầm cầu biển số 54X–2420 xả xuống vào sáng ngày 15.3. Theo người chủ đám rau này, ông cũng dùng một số loại phân urê, hoặc phân bò bón cho rau. Nhưng với phân hầm cầu, thì không phải trả tiền, nhưng rau lại tốt. Chỉ sang những đám rau xanh lân cận, ông nói: “Nhiều người khác cũng dùng phân hầm cầu để bón rau. Không chỉ một chiếc xe chở phân hầm cầu trên, mà còn có một số xe khác cũng đổ tại đây. Nhưng thỉnh thoảng tôi mới “xin” một xe để bón, tưới rau”.
Khó “tẩy” hết vi khuẩn
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã nhiều lần cảnh báo việc các xe chuyên chở phân hầm cầu đổ xuống ao, sông rạch, ao rau muống, có khả năng làm phát tán mầm bệnh gây dịch nguy hiểm cho cộng đồng. Một bác sĩ chuyên khoa của trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, phân hầm cầu, dù không phải là phân tươi, nhưng không phải đã được ủ để loại bỏ những mầm bệnh và an toàn về mặt vi sinh, dịch bệnh, và vẫn chứa nhiều mầm bệnh (tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, viêm gan siêu vi, bại liệt và ký sinh trùng) lây từ người sang người. Khi phân hầm cầu được tưới, bón trực tiếp, các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào rau, và rửa rau bình thường không thể loại bỏ được, bởi chúng có kích thước nhỏ, nằm lọt trong các kẽ và gân lá, nên rất khó bị rửa trôi, ngay cả rửa dưới vòi nước đang xả. Thậm chí, một số nhóm nghiên cứu thử dùng móng tay cạy, mà chúng vẫn bám chặt lên bề mặt rau, trừ phi làm bật cả lớp vỏ ngoài cùng của rau.
Một nghiên cứu cuối năm ngoái tại TP.HCM cho thấy, có 97% mẫu rau hay dùng ăn sống có nhiễm ký sinh trùng, như bào nang amip, trứng giun đũa, giun móc… Ngoài ra, chi cục Bảo vệ môi trường cũng đã phát hiện nguồn nước ngầm có vi khuẩn E-Coli (tức đã nhiễm phân) mà nguyên nhân, có thể do bón phân trực tiếp như thế.
Vẫn còn đổ bậy phân hầm cầu
Từ cuối năm 2008, thành phố yêu cầu xe chở phân hầm cầu phải đăng ký, sơn màu xe riêng, gắn niêm chì, ký hợp đồng với công ty Hoà Bình… nhằm dễ kiểm soát. Sở Tài nguyên và môi trường thành phố tuyên bố sẽ tịch thu các xe chở phân hầm cầu đổ bậy. Nhưng thực tế, đến nay, lượng xe chở phân hầm cầu về đổ đúng nơi vẫn không nhiều, và có một lượng xe tuỳ tiện xả vào những nơi trồng rau, ao hồ, kênh rạch.
Ước tính, hàng ngày toàn thành phố thải từ 250 – 300m3 chất thải phân hầm cầu. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Dũng, giám đốc công ty TNHH Hoà Bình (nơi duy nhất ở thành phố có chức năng tiếp nhận, xử lý phân hầm cầu, cho biết, hiện mỗi ngày, công ty chỉ tiếp nhận từ khoảng 60 xe trong tổng số hơn 100 xe tại thành phố. Do khu xử lý phân hầm cầu ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, nằm khá xa trung tâm thành phố, nhất là một số địa phương ở nơi khác như Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi…, thì khoảng cách lại càng xa hơn. Bà Nguyễn Thị Hưởng chủ chiếc xe đổ bậy phân hầm cầu vừa bị bắt quả tang cho biết, xe bà hoạt động chủ yếu ở vùng này, trong khi số tiền thu được từ khoảng 350.000 – 450.000đ đối với một xe 4m3, thì chi phí cho tiền xăng xe càng cao. Bà Hưởng cho rằng, mức phí mà công ty Hoà Bình thu cũng hơi cao, và kiến nghị: nên có thêm các bãi trung chuyển để thuận lợi hơn cho việc vận chuyển.
Lời “trần tình” của bà Hưởng, dù là để bao biện cho hành vi đổ bậy, nhưng đây là thực tế mà các cơ quan chức năng thành phố cần xem xét để khắc phục tình trạng đổ bậy phân hầm cầu, gây ô nhiễm môi trường.
Bài và ảnh: Kiều Phong (SGTT)
Bình luận (0)