Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Thành phố hoa mặt trời” Mang một ý nghĩa của trường ca

Tạp Chí Giáo Dục

Thành phố hoa mặt trời là một trường ca. Nhưng trong cách thể hiện hiểu giản đơn, trường ca chỉ có nghĩa là một tác phẩm thơ ca dài hơi. Thành phố hoa mặt trời không chỉ là trường ca với ý nghĩa như thế, có một nghĩa nữa của trường ca: đó là một tác phẩm thể hiện nội dung lớn, có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc, với đất nước, với cuộc sống của con người. Đọc Thành phố hoa mặt trời của nhà thơ Trúc Chi (NXB Thanh Niên), tôi vui mừng thấy toàn tác phẩm đã toát lên được dáng dấp của một bản trường ca với ý nghĩa thứ hai này. Điều đó không phải chỉ thể hiện qua bố cục với 5 chương, 68 khúc, toát lên những cảm xúc, những nỗi niềm của người làm thơ. Từ Những giấc mơ trên mảnh đất chín rồng, Sài Gòn – Trước mặt niềm tin cho đến Hạnh phúc hát bằng lời của TP.HCM hôm nay; không phải chỉ toát lên qua hình ảnh của thành phố từ trong huyền thoại, trong lịch sử, trong tình ca, cho đến tận hôm nay với Hạnh phúc của người có nước, có quê hương là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, mà dáng dấp của những nội dung lớn còn được toát lên trong nhiều câu thơ cụ thể nữa: “Khi ta đọc trang sử nước anh hùng/ Nghe súng giặc ran hai đầu Tổ quốc/ Nghe chân trời quê hương chớp giật/ Miếng võ cha trao – nắm cơm mẹ buộc lưng/ Sau ba mươi năm ta hát tiếp chiến công/ Đêm thành phố mang những trang sử lớn… Một nội dung khác là sự nhìn nhận những trang sử lớn của thành phố, những chiến công lớn của từng nơi trên đất nước là có sự gắn liền chặt chẽ với lịch sử chung, với sức hợp đồng chung của trí tuệ, của sức lực, của máu xương toàn dân tộc, của hôm nay và của quá khứ mấy ngàn năm: “Vẫn dòng sông đang réo sóng Bạch Đằng/ Đèo Tam Điệp gió thổi lên lồng lộng/ Giáo ngất mặt thành – tiếng ngựa hí Chi Lăng/ Vẫn con đường vết chân Thánh Gióng…”. Ý lớn về sự thống nhất của đất nước, về tính chất gắn bó keo sơn thành một khối: Việt Nam, được thể hiện ngay trong truyền thống nghệ thuật, trong đời sống văn hóa: “Trên đầu tôi trời lọc nắng xanh/ Một cây lý Đồng Nai – giọng xẩm xoan mắt biếc/ Trời trên đầu mùa thu xanh ngắt/ Ôi sông Lam, sông Mã, sông Hồng…”
Và một trong những lý do làm cho Thành phố hoa mặt trời mang ý nghĩa là một trường ca vì nó hàm chứa những nội dung lớn, chính là ở chỗ nó biết đặt người thợ ở vị trí đúng đắn – vị trí trung tâm. Hơn 40 năm làm thơ, Trúc Chi cho ra đời mười tập thơ. Chúng ta chúc mừng anh đã có thêm tập thứ 11 này là một trường ca về thành phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh – “Thành phố thợ”.
GS.TS Trần Trọng Đăng Đàn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)