Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thành phố học tập – thành phố thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Xây dựng TP học tập là một quá trình lâu dài và phức tạp. Bằng chứng là những TP đi trước chúng ta về trình độ phát triển kinh tế – xã hội hoặc đã bắt tay vào xây dựng TP học tập trước chúng ta hàng chục năm nhưng đến nay chưa có TP nào được UNESCO công nhận đạt chuẩn theo bộ 42 tiêu chí. Vì vậy cần đưa ra một kế hoạch tổng quát thích hợp cho trình độ và điều kiện của TP với các nội dung cốt yếu: Mục tiêu là gì? Để đạt mục tiêu đó phải chọn con đường nào? Phải hội tụ những điều kiện cần thiết nào? Các nguồn lực để thực hiện là gì? Đó chính là chiến lược để TP chúng ta tuân theo một cách bền bỉ, nhất quán trong suốt lộ trình kéo dài nhiều thập kỷ xây dựng TP học tập. Bên cạnh chiến lược cần xác định cách thức để kiểm tra đánh giá thành quả.

Thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội và thách thức mới khiến mọi người dân từ già đến trẻ cần được liên tục trang bị những nhận thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới, thái độ mới để thích ứng hiệu quả hơn với sự thay đổi của cách học, cách sống và làm việc hiện nay, để đối phó ngày một hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh tật, môi trường xuống cấp… Sự trang bị này không chỉ đến từ quá trình học trong nhà trường mà còn đến từ chính quá trình tự học của người dân. Ngoài học ở nhà trường và nơi làm việc, người dân còn phải tự học trong cuộc sống thường ngày, tự học cả sau khi đã quá tuổi lao động, tức là học suốt đời. Học suốt đời cung cấp cho người dân không chỉ khả năng ứng phó với các thách thức mới mà qua đó còn giúp người dân không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, tạo cho mình và con cháu một tương lai bền vững hơn. Học suốt đời khiến chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên, khiến người dân mạnh mẽ hơn, thông minh hơn, lao động và sinh hoạt có hiệu quả cao hơn, sống một cuộc đời có chất lượng hơn. Học suốt đời còn là bảo bối thành công mà thế hệ trước trao lại cho thế hệ sau với mong mỏi “con hơn cha là nhà có phúc”. Học suốt đời cần phải trở thành nhu cầu thường trực của con người, thành niềm đam mê kéo dài suốt cuộc đời, lan truyền từ người này sang người khác, từ gia đình này sang gia đình khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ đời này sang đời khác.

Đời học tập của con người nhìn chung có thể chia làm 3 giai đoạn chính: giai đoạn đi đến trường học, giai đoạn ra đời vừa đi làm vừa đi học và giai đoạn học khi đã quá tuổi lao động. Nếu trong giai đoạn thứ nhất kéo dài 20 năm thì 2 giai đoạn sau kéo dài trên dưới 60 năm, số đông chọn loại hình học ngoài chính quy. Loại hình này chia thành 2 loại hình bán chính quy và phi chính quy. Học chính quy chỉ cung cấp khoảng 20% kiến thức và kỹ năng cho đời, 80% còn lại là nhờ học ngoài chính quy. Hai loại hình này bổ sung cho nhau xen kẽ với nhau trong đời học tập của mỗi con người, tạo điều kiện cho những ai khát khao hiểu biết, muốn không ngừng phát triển bản thân thì có thể học mọi nơi mọi lúc một cách học thích hợp với hoàn cảnh riêng, sở thích riêng, nhu cầu riêng. Hai loại hình này có thể ví như hai mạch máu nuôi dưỡng nền văn hóa học suốt đời trong dân cư.

Điều kiện tiên quyết đảm bảo cho chiến lược xây dựng TP học tập suốt đời là quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Người lãnh đạo TP có quyết tâm cao sẽ không chỉ truyền cảm hứng cho các cấp, các ngành mà còn quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo nhằm tạo ra những chuyển biến sâu sắc, thực chất trong hệ thống mà mình quản lý. Xây dựng TP học tập là sự nghiệp của dân, người dân vừa là chủ thể xây dựng TP vừa là người hưởng thụ các thành quả của TP học tập. Trong sự nghiệp xây dựng TP học tập cần phải đặc biệt coi trọng sự ủng hộ, sự tham gia của các nhóm người sau đây: công nhân, học sinh – sinh viên, người về hưu và doanh nghiệp. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời cho mỗi thành viên đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự quan tâm của gia đình là một điều kiện đảm bảo thiết yếu để gieo trồng và nuôi dưỡng thói quen học tập suốt đời trong mỗi người dân. Các mô hình hoạt động được đúc kết qua thực tiễn xây dựng xã hội học tập bao gồm: cộng đồng khuyến học, tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học, các quỹ học bổng khuyến học khuyến tài, câu lạc bộ sinh viên nhận học bổng khuyến học khuyến tài…

Cuối cùng, xây dựng TP học tập không tách rời với mục tiêu xây dựng TP thông minh, TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không tách rời với chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP mà là một hoạt động gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ đắc lực các chủ trương trên. Và trên hết xây dựng TP học tập gắn bó chặt chẽ với lợi ích thiết thân mỗi người dân.

TS. H Thiu Hùng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)