Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xếp vị trí 59 trên thế giới và nằm từ 20-25 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Riêng TP.HCM đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng 100 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (hàng trước, bìa trái) trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 cho các doanh nghiệp
Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nhưng thời gian qua được ghi nhận là năm có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp ra đời trong mùa dịch.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngang tầm khu vực
Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM là một trong những đầu mối chính thức thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo khởi nghiệp được UBND TP giao. Được biết, TP.HCM hiện có hơn 1.900 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và đã có hơn 2.500 dự án khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phát triển. Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã vững vàng sau nhiều năm đầu tư, ươm tạo và phát triển. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định như một số văn bản của bộ, ngành chưa phù hợp với thực tiễn của thành phố; trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực còn hạn chế; đầu tư nguồn lực cho hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm còn hạn chế. Đặc biệt là văn hóa chia sẻ ý tưởng, hợp tác cùng sáng tạo, hỗ trợ phát triển, chấp nhận rủi ro trong cộng đồng doanh nghiệp, trường, viện còn bất cập…
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM)
Từ thực tế đó, việc liên kết hệ sinh thái, liên kết vùng để phát triển là cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường liên kết giữa các địa phương, kỳ vọng tìm ra được những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng để ươm tạo trong giai đoạn mới. “Là một trong những đầu mối được thành phố giao hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Trong năm 2020, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp – SpeedUp đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho 7 dự án khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 25,3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho 40 dự án khởi nghiệp khác… Giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM tiếp tục thực hiện đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp” với việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM ngang tầm khu vực”, ông Dũng thông tin.
Sẽ có sàn giao dịch khởi nghiệp
TP.HCM hiện có 24 cơ sở ươm tạo, nuôi dưỡng những ý tưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm về sau. Những địa chỉ ươm tạo tiếp nhận ý tưởng khởi nghiệp có thể kể đến như: Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung; Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM (ITP); Saigon Innovation Hub (SIHUB); Hệ sinh thái doanh nghiệp BestB (một trong những hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, hiện đã hỗ trợ trên 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước)… Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB) chia sẻ, hướng đi của SIHUB không như những hệ sinh thái khởi nghiệp khác, chỉ đóng vai trò định hướng, điều phối, phân bố các nguồn lực cho các đơn vị chuyên môn hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp chứ không trực tiếp ươm tạo.
Một trong những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM thu hút nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia là chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2020” của IEC, thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM. Chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện của “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 (WHISE 2020)”, được thực hiện bởi Sở Khoa học – Công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ cùng Vụ Công nghệ cao. Theo đó, có 4 nhóm khởi nghiệp bước ra từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2020 được gọi vốn thành công gồm: GreenTown Vietnam (35.000 USD), Korona Board Game (15.000 USD), Langf (300 triệu đồng) và FuniMart (250 triệu đồng). Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là các dự án có mức độ khả thi và lợi nhuận đem lại rất cao. |
Thành lập từ năm 2016, đến nay SIHUB đã hỗ trợ gần 1.000 dự án khởi nghiệp, 15 vườn ươm, đào tạo giảng viên ĐH về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các quận/huyện, phát triển mạng lưới cố vấn để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp… Ông Tước cho biết thêm, SIHUB đang làm việc với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ), Ban Điều hành Đề án 844 để xây dựng thí điểm sàn giao dịch khởi nghiệp. Chậm nhất đến năm 2022, sàn giao dịch khởi nghiệp sẽ vận hành thí điểm. Để chuẩn bị thực hiện, SIHUB đã có khóa đào tạo IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) miễn phí đầu tiên của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Khóa học này nằm trong khuôn khổ đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh chóng hướng tới hoạt động mua bán sáp nhập, trở thành công ty đại chúng” do Bộ Khoa học – Công nghệ và Văn phòng Ban Điều hành Đề án 844 chỉ đạo.
Bài, ảnh: T.An
Bình luận (0)