Sự kiện giáo dụcTin tức

Thành phố sẽ đầu tư để GDCN xứng tầm

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình phát biểu tại hội thảo

Ngày 23-1, tại Hội trường Thống Nhất, Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) TP.HCM”. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu lên thực trạng GDCN hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về nhiều mặt như: cơ sở vật chất, giáo viên và việc phân luồng hiện nay chưa hiệu quả. Hội thảo đi sâu phân tích những nguyên nhân cản trở để tìm ra biện pháp hữu hiệu đưa GDCN TP.HCM tiến xa hơn.
Nhiều bất hợp lý
ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu khái quát: “Hiện nay các trường TCCN tại TP.HCM phần lớn đã đào tạo nguồn nhân lực tốt cho xã hội. Thực tế là TP.HCM hiện có 41 trường chuyên nghiệp với gần 50 ngàn học sinh (HS). Mạng lưới trường chuyên nghiệp của TP.HCM đang phát triển gấp 3 lần so với 10 năm trước. Nội dung, phương pháp đã có nhiều cải tiến. Bên cạnh đó trên địa bàn TP.HCM còn có khoảng 70 ngàn HS theo học hệ TCCN, TC nghề ở các trường do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các trường thuộc trung ương quản lý”.
Có thể nói, TP.HCM hiện đang đi đầu trong cả nước về việc chú trọng nâng cao chất lượng GDCN nhưng theo ThS. Phạm Ngọc Thanh thì, “Các trường TCCN tại TP.HCM hiện nay đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp”. Cùng quan điểm này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN – Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH thì hiện nay 70% lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Lao động thì thiếu nhưng tâm lý xã hội muốn cho còn em mình học CĐ-ĐH. Còn HS ra trường thì doanh nghiệp than chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, điều đó là có nhưng không phải tất cả. Nhiều ngành nghề của nhiều trường 100% HSSV ra trường được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Mặt khác lao động trình độ trung cấp rất thiếu”. Ông Vinh, đưa ra ví dụ: Cách nay mấy ngày Vụ TCCN có thăm Công ty Sam Sung Việt Nam. Công ty cho biết hiện nay đang cần khoảng 5 ngàn lao động, trong đó 90% trình độ sau THPT, 10% lao động trình độ CĐ-ĐH. Đó là một trong nhiều ý kiến nêu lên thực trạng đáng buồn về vấn đề khập khiễng trong việc đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động giữa nhà trường và doanh nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Đức Trí, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam nêu bất hợp lý trong việc đào tạo TCCN hiện nay: “Câu chuyện của TCCN phải bắt đầu từ nhận thức. Xã hội thì tuyên truyền cho HS thi đại học, không vào đại học không thành danh. Mặt khác nhà trường nói nhà không thể cứ chạy theo công nghệ của các doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì không tham gia đào tạo lại muốn nhân lực phù hợp với doanh nghiệp. Điều này cho thấy nhà trường, doanh nghiệp chưa “bén duyên” nhau. Doanh nghiệp bảo thiếu lao động, nhưng thiếu ở ngành nào, thiếu cái gì?. Còn nhà trường phải nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo. Nhưng vấn đề này xem ra chưa có giải pháp”.
“Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên là vấn đề nan giải nhất hiện nay đặc biệt là trường ngoài công lập. Hơn 20 trường TCCN ngoài công lập thì phần lớn là cơ sở đi thuê, giáo viên mượn từ các trường CĐ-ĐH khác khiến việc đào tạo không ổn định, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng HS sau khi ra trường”, đây là vấn đề mà ThS. Phan Hải Hồ, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Sở Tư pháp TP.HCM băn khoăn.
Sẽ đầu tư cho GDCN xứng tầm

Học sinh trường nghề đang xem một thiết bị máy móc mới

“Muốn GDCN “cất cánh” trong giai đoạn mới phải đổi mới TCCN bằng nhiều cách, ở nhiều cấp ngành. Người học, trường đào tạo, doanh nghiệp đến các nhà quản lý, các cấp bộ, ngành phải vào cuộc, chung tay mới có thể làm nổi”, ThS. Phạm Ngọc Thanh, khẳng định.
Nêu lên vấn đề này đại diện UBND quận 8 rất đồng tình và ông thẳng thắn đề xuất: “Việc phân luồng HS sau phổ thông tốt sẽ phải đẩy mạnh việc hướng nghiệp, phân luồng HS ngay từ cấp THCS. Muốn làm được nhà trường phải tư vấn được cho HS, cho phụ huynh HS về năng khiếu, sở thích, sở trường, trình độ… của từng em. Cung cấp được thông tin về thị trường lao động, tạo cơ chế để mọi lực lượng xã hội tham gia định hướng, vận động, hỗ trợ cho thanh thiếu niên vào học TCCN. Phải thực hiện đa dạng hóa nguồn tuyển sinh, các loại hình đào tạo theo yêu cầu người học, yêu cầu doanh nghiệp như tuyển sinh nhiều thời điểm trong năm, xây dựng nhiều chương trình cho các hệ đào tạo khác nhau…”. Tại hội thảo nhiều đại biểu bày tỏ chung ý kiến là phải đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo từng chuyên ngành đặc thù cho từng khu vực. Vì đây là giải pháp then chốt để giải quyết những vấn đề bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Thực hiện được điều này giúp cho nhà trường có đủ điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, bảo đảm đáp ứng đầy đủ về chất lượng. Từ đây sẽ giúp cho giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả, tạo động lực thu hút bổ sung nguồn giáo viên. Hơn thế nữa, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại còn là điều kiện để hợp tác, chuyển giao công nghệ với các trường có uy tín trong nước, khu vực và thế giới và cũng tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người học, của các doanh nghiệp đối tác.
Sự kết hợp “3 nhà” (nhà trường – nhà tuyển dụng và quản lý) là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo xây dựng chương trình đào tạo chất lượng tiên tiến, đáp ứng đúng thực tiễn; giúp cho việc thực tập của HS đạt hiệu quả, đội ngũ giáo viên được tiếp cận thực tiễn và cập nhật kiến thức từ thực tế sản xuất và sự tiến bộ của kỹ thuật công nghệ mới.
Kết thúc hội thảo TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Hội thảo này sẽ là phát pháo đầu để đổi mới TCCN toàn diện trong thời gian tới. Sau hội thảo Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND TP việc tiếp tục đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất để GDCN xứng tầm với một thành phố năng động vào bậc nhất cả nước; kết hợp với các quận (huyện) dành đất mở rộng trường và xây trường mới ở các quận huyện chưa có trường TCCN như ở Củ Chi, Bình Chánh, quận 9…”.
V.MẠNH – D.BÌNH
TS. Huỳnh Công Minh: GDCN sẽ có nhiều chuyển biến
Thưa ông, muốn đổi mới và phát triển GDCN, theo ông vấn đề nào là quan trọng nhất?
Cơ sở vật chất, trang thiết bị là khâu quan trọng để phát triển hệ thống GDCN hiện nay. Có cơ sở vật chất tốt sẽ thúc đẩy sự liên kết đào tạo giữa các trường; thuận lợi trong chuyển giao công nghệ, nâng giờ thực hành cho học sinh, sinh viên; nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong việc đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp, và thu hút học sinh.
Ông đánh giá thế nào về đội ngũ giáo viên giảng dạy GDCN hiện nay?
Hiện nay giáo viên giảng dạy ở các trường TCCN tại TP.HCM phần lớn đáp ứng tốt việc giảng dạy, nhưng chỉ giáo viên ở các trường công lập. Còn các trường ngoài công lập vẫn thiếu giáo viên nên các trường phải sử dụng nhiều giáo viên thỉnh giảng khiến đội ngũ này không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ở các trường công lập hiện nay bình quân 11 học sinh/giáo viên, phần lớn giáo viên ở các trường này có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng tốt việc dạy và học ở các trường. 
Có phải nâng học phí, xã hội hóa giáo dục sẽ giải quyết vấn đề mấu chốt để phát triển GDCN hiện nay?
Việc nâng học phí không phải sẽ giải quyết được vấn đề căn cơ và nâng được chất lượng GDCN hay thu hút được người học. Học phí phải dựa trên mức thu nhập của người dân và phải có lộ trình nhất định. Còn việc xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần phát triển GDCN nhanh hơn. Cụ thể thực tế thời gian qua việc xã hội hóa đã đi đúng hướng góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả đào tạo từ mầm non đến đại học.
Sau buổi hội thảo hôm nay, Sở GD-ĐT sẽ có “hành động” gì tiếp theo, thưa ông?
Tôi tin sẽ có chuyển biến tích cực ngay hội thảo ngày hôm nay, ở góc độ cán bộ, thầy cô giáo sẽ biết được trọng tâm của trường mình để có định hướng phát triển. Các cơ quan có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương sẽ chia sẻ với ngành GD-ĐT về GDCN của TP.HCM. Trước kia Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GCDN. Tuy vậy, nội dung còn lẻ tẻ, chưa có trọng tâm. Tôi khẳng định sẽ có nhiều chuyển biến.
Sắp tới Thành ủy TP.HCM sẽ triển khai thông báo 242 của trung ương về kết luận của Bộ chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02, khóa 8 của trung ương. Hội nghị này có quy mô lớn, gồm nhiều cấp ngành, ủy ban các quận huyện, từ đây Thành ủy sẽ định ra những mục tiêu phát triển cho từng giai đoạn cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
VĂN MẠNH (ghi)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)