Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Thành phố tình yêu – Lively Saigon”: Giấc mơ ra biển lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là chương trình phục vụ miễn phí cho khán giả, sử dụng nguồn lực từ xã hội. Tuy nhiên, với chương trình dù miễn phí hay bán vé, thì việc thu hút được khán giả là yếu tố quyết định sống còn.

Chương trình âm nhạc Thành phố tình yêu – Lively Saigon ra đời với mục đích phục vụ cộng đồng, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đồng thời gửi gắm kỳ vọng giới thiệu những kiến trúc mang dấu ấn lịch sử gắn bó với TP.HCM. Dự kiến, chương trình sẽ biểu diễn tại nhiều công trình nổi tiếng như: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bưu điện TP.HCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM… 

Đông Nhi trong buổi họp báo ra mắt chương trình. Nữ ca sĩ biểu diễn trong Thành phố tình yêu - Lively Saigon số đầu tiên ngày 26/6 tại công viên Lam Sơn

Đông Nhi trong buổi họp báo ra mắt chương trình. Nữ ca sĩ biểu diễn trong Thành phố tình yêu – Lively Saigon số đầu tiên ngày 26/6 tại công viên Lam Sơn

Tiếp nối sự góp mặt của các ca sĩ Đông Nhi, Hoàng Tôn… trong buổi diễn đầu tiên vào tối 26/6, sẽ là những giọng ca trẻ nổi tiếng, được nhiều khán giả yêu thích và có phong cách âm nhạc phù hợp với từng chủ đề được đưa ra. Chương trình đã nhận được sự giúp sức của những ca sĩ trẻ danh tiếng, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu hiện tại. Đây cũng là một trong những thuận lợi bước đầu. Ca sĩ Đông Nhi chia sẻ: “TP.HCM cho tôi những trải nghiệm, cơ hội, thành công trong cuộc sống. Vì thế, tôi thấy vinh dự khi được đồng hành với dự án này. Tôi có cơ hội thể hiện tấm lòng, lời cảm ơn với nơi đã cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM – kỳ vọng chương trình có thể vươn tầm khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Khi có mục tiêu rõ ràng, nhà tổ chức sẽ có động lực phấn đấu, dù biết đường đi không hề dễ dàng. Đây là chương trình phục vụ miễn phí cho khán giả, sử dụng nguồn lực từ xã hội, không sử dụng kinh phí nhà nước. Tuy nhiên, với chương trình dù miễn phí hay bán vé, thì việc thu hút được khán giả là yếu tố quyết định sống còn. TP.HCM hiện có rất nhiều thương hiệu âm nhạc phát triển cùng lúc. Trong đó, nhiều chương trình cũng quy tụ được dàn ca sĩ chất lượng, âm nhạc cuốn hút. Vì thế, việc cạnh tranh là điều tất yếu. 

Ông Nguyễn Anh Vũ  – Giám đốc sản xuất chương trình – cho biết: “Áp lực cạnh tranh khán giả chắc chắn có. Nhưng với dự án này, điểm đến là điều đặc biệt, khác biệt lớn. Nhiều chương trình chỉ có một điểm biểu diễn, còn chương trình này có nhiều điểm đến với những câu chuyện thú vị được lồng ghép trong phần talk show. Đối tượng khán giả chúng tôi hướng đến cũng là một tệp riêng”. 

Poster chương trình Thành phố tình yêu Lively Saigon

Poster chương trình Thành phố tình yêu Lively Saigon

Một thực tế khác, khán giả hiện tại hay cả thèm chóng chán. Vì thế, một số thương hiệu gần đây bắt đầu giảm tần suất biểu diễn, hoặc tạm ngưng. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ: “Cố gắng đầu tư, làm chất lượng trong từng đêm diễn thì dự án sẽ lâu bền. Khi đó, khán giả sẽ cảm nhận được nỗ lực của nhà tổ chức. Thành phố cần những sản phẩm có tính thương hiệu”. 

Chương trình xác định tính bản sắc là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên điểm nhận diện. Không chỉ đi theo thị hiếu, mà sẽ đầu tư nhiều về âm nhạc, hòa âm phối khí, để đưa ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng. 

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh – một trong những nhà sản xuất đồng hành cùng chương trình – tiết lộ có thể kết hợp nhạc nhẹ, nhạc cụ dân tộc, thậm chí dàn nhạc giao hưởng để tạo ra không gian lôi kéo khán giả trẻ. Sự sinh động, tươi mới là điều được ưu tiên hàng đầu. Ngoài phục vụ trực tiếp khán giả xem tại sân khấu, chương trình cũng sẽ được phát sóng rộng rãi trên các nền tảng số. Đây được xác định là một trong những “cánh tay” quan trọng để giúp chương trình vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. 

Nhà tổ chức cũng huy động khán giả hưởng ứng bằng cách đăng video về đời thường, nhịp sống tại Sài Gòn lên mạng xã hội, với các hashtag #Thanhphotinhyeu #Saigonvibes #Caphebet. Chiến lược truyền thông này hiện đã được khởi động. Theo nhà tổ chức, trong tương lai cũng sẽ tính đến phương án bán vé, nếu nguồn tài trợ không còn mạnh. Vì thế, điều bắt buộc hiện tại là phải xây dựng được thương hiệu thành công, thì mới có thể đi đường dài. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)