Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thành phố trong hạt đậu

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Chicago bạn có thể ngồi hàng giờ trước Cloud Gate, dưới một thảo nguyên mây bồng bềnh trôi trên nền trời xanh thẫm và ngắm nhìn một thành phố Chicago khác bên trong hạt đậu (*).

Cổng Mây – một trong những công trình nghệ thuật mang tính biểu tượng nổi tiếng của Chicago
Cổng Mây (Cloud Gate) là tác phẩm nghệ thuật ngoài trời đầu tiên mà nghệ sĩ người Anh Anish Kapoor xây dựng ở Mỹ. Khối thép không gỉ nặng 110 tấn với hình dạng mái vòm này được đặt giữa công viên Thiên Niên Kỷ (Millenium), ngay trung tâm thành phố để bất cứ ai cũng có thể chạm vào, đi ngang qua hay ngồi hàng giờ ngoài trời để nhìn ngắm.
Bên trên và xung quanh, những tòa cao ốc, đường chân trời xanh thẫm, cùng với một thảo nguyên mây bồng bềnh trôi soi mình lên Cổng Mây. Mỗi giây phút của ngày, mỗi góc độ nơi bạn đứng đều có thể nhìn thấy một Chicago khác biến chuyển trong vạn khoảnh khắc khác nhau.
Bước ra khỏi thảm họa
Với tôi, Cổng Mây là thứ kiêu hãnh và kỳ bí nhất ở Chicago. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã hiểu thành phố này thì Cổng Mây sẽ cho bạn thấy một Chicago hoàn toàn khác. Bên trong hạt đậu khổng lồ này, thành phố có thật bên ngoài kia bỗng chốc biến thành một thế giới huyền ảo khi bạn đưa tay chạm khẽ vào chính mình bên kia mặt gương.
Có rất nhiều điều để nói về thành phố nổi tiếng miền Trung Tây nước Mỹ này. Nhưng tôi vẫn luôn muốn bắt đầu câu chuyện của mình về Chicago từ Cổng Mây, biểu tượng của trí tưởng tượng và sáng tạo không biên giới mà bạn có thể nhận thấy trên mỗi góc đường thành phố.
Đến Chicago như lạc trong một cánh rừng những kiến trúc kết hợp giữa công nghệ xây dựng hiện đại và phong cách độc đáo. Sức sáng tạo không giới hạn trong kiến trúc mà người ta thấy ở thành phố bên hồ Michigan ngày nay bắt nguồn từ một thảm kịch xảy ra năm 1871. Trận đại hỏa hoạn kéo dài 36 giờ năm đó đã thiêu rụi gần như hoàn toàn các công trình nhà cửa bằng gỗ ở trung tâm Chicago.
Đường tàu trên cao vắt ngang thành phố
Chicago lung linh trong ánh đèn đêm
Dù vậy, thảm kịch hỏa hoạn đã đem đến cho thành phố cơ hội để tái tạo hình ảnh một Chicago hoàn toàn khác. Năm 1884, công trình cao chín tầng với khung sườn bằng thép có tên “Home Insurance Building” ra đời, được coi như tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới. Từ đó đến nay chẳng ngạc nhiên khi thành phố này được coi là nơi mà sức sáng tạo không ngừng trong kiến trúc được đẩy đến đỉnh cao.
Từ lối đi bộ bên hồ Michigan nhìn vào thành phố, đường chân trời Chicago ngày nay đã được bao phủ bởi hàng dài những cao ốc chọc trời, nhiều trong số đó đến nay vẫn nằm trong danh sách những tòa nhà cao nhất thế giới như Willis (tên cũ là Sears), Trump International, Aon Center, John Hancock Center…
Mùa bồ công anh ở đường tàu trên cao
Chicago không có cái vẻ vội vã đến nghẹt thở của New York, nên mùa bồ công anh bỗng trở thành thứ gì đó nên thơ lãng đãng hệt như cái thành phố sinh ra trong không khí của nghệ thuật này.
Chicago những ngày nhiều mây hệt như tách cà phê nóng bên góc quán cà phê nhỏ với một anh chàng trầm tính. Tôi vẫn thường hình dung xem anh chàng ấy là kiến trúc sư hay họa sĩ. Nếu là họa sĩ, hẳn nhiên tôi sẽ được anh đưa đi hàng giờ trong Viện Nghệ thuật Chicago và giảng giải về những bức tranh của Claude Monet hay Mary Cassatt.
Trên cầu đại lộ Michigan, bắc ngang con sông mang tên thành phố
Chicago nhìn từ đài quan sát trên cao của tòa nhà John Hancock Center
Chúng tôi cũng có thể đi cùng nhau qua góc phố W. Randolph và N. Dearborn để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc bằng đồng của Picasso nằm ngay ngoài trời. Chẳng biết từ đâu mà bồ công anh kéo đến thành phố hệt như trong một cuộc di cư khổng lồ. Tôi và anh cũng có thể đi giữa mùa bồ công anh bay chấp chới khắp thành phố và tự hỏi không biết chúng đã đi xa chừng nào để đến thành phố này.
Nếu anh chàng ấy là một kiến trúc sư, chúng tôi hẳn đã gối đầu trên lối đi lát gạch cạnh hồ Michigan và ngắm nhìn thành phố trong ánh đèn đêm tỏa rạng từ những khối nhà cao vút. Đài quan sát ở tầng thứ 94 của tòa nhà 100 tầng John Hancock Center phía bắc thành phố sẽ là nơi anh nói cho tôi nghe về mạch ngầm sáng tạo đang tuôn chảy không ngừng bên trong những kiến trúc tráng lệ của Chicago.
Nếu có thêm thì giờ, hẳn chúng tôi sẽ cùng đi với nhau khắp thành phố trong chuyến tàu ở đường ray trên cao, ngắm Chicago từ khung cửa kính đầy mưa khi đoàn tàu bẻ ghi sang một góc đường khác. Tôi nghĩ Chicago không xây đường tàu trên cao để phục vụ du lịch, nhưng nhìn mọi vật từ độ cao của những chiếc bancông trong khi bạn đang lướt đi giữa thành phố nên được liệt kê vào danh sách những điều nên làm khi đến Chicago.
ĐINH HẰNG (TTO)
(*): “The Bean” (hạt đậu) là biệt danh mà người dân thành phố Chicago đặt cho công trình “Cổng Mây” bởi hình dạng gần giống hạt đậu.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)