Trên con đường tìm kiếm những giá trị mới cho thi ca, nhà thơ Thanh Thảo không là người ngoài cuộc. Với trường ca Metro (*) Thanh Thảo vẫn là một tài năng thơ với trái tim nồng nhiệt, luôn sẻ chia mọi mất mát và bất bình trước mọi giả trá, bất công.
Bằng tài năng và nỗ lực, Thanh Thảo lại vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống: tâm trạng một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc. Trong con – người – thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo luôn thôi thúc, cày xới, vắt kiệt anh ở những bến bờ mới.
Cầm trên tay tập trường ca Metro của Thanh Thảo, tôi giật mình nhớ ra đây là tập trường ca thứ 9 (trong 15 tập thơ) đã xuất bản của anh. Có thể nói, Thanh Thảo đã lập một kỷ lục về trường ca trong thơ Việt Nam đương đại. Trong đó, phải kể đến trường ca Đêm trên cát của anh từng được coi như một đỉnh cao của trường ca trong mấy chục năm qua.
Thanh Thảo đã mở đầu trường ca mới của mình bằng những câu thơ thấm thía về hình ảnh những người lính trong “chuyến tàu trận mạc” đã vĩnh viễn nằm lại dưới một Trường Sơn đại ngàn nhắc nhở chúng ta về những năm tháng thương đau ấy.
Cũng tha thiết và xót xa như thế, hình ảnh những người con gái ở Trường Sơn những năm tháng ấy cứ cồn cào, thao thức dưới những mạch ngầm trong hành trình của Metro qua từng sân ga: “những cô gái ngày ấy thường chân ngắn/ có lẽ họ leo dốc nhiều quá/ mang ba lô lâu quá/ gùi cõng gạo nặng quá/ nếu tôi nói những cô gái ngày ấy đẹp hơn những cô gái 8X 9X chân dài/ nhiều người sẽ không tin tôi/ có lắm sự thật/ bao cách nhìn/ Trường Sơn chỉ một”.
Bằng cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, Thanh Thảo bay vào cái vùng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối – sáng ấy, sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, thời gian, về sự tồn tại của con người.
Những khuôn hình, những khoảnh khắc, những chân dung của năm tháng ấy chạy trong “lằn ray” hồi tưởng của nhà thơ, như một chuyến tàu đầy ưu tư và mệt mỏi để tìm cách trả lời: “sau 34 năm/ tôi một mình mở kho hàng anh giữ/ những thùng đạn đại liên đựng toàn nỗi nhớ/ những thùng gỗ quân nhu lương khô/ không phải chất những bánh 701,702/ mà tuyền những hạt gì tròn tròn trong trong/ trên những con đường giờ đây cao tốc/ ngày ấy em tôi trĩu lưng gùi cõng/ những thùng gỗ đựng toàn những hạt/ tròn tròn trong trong của mẹ của vợ của người yêu, tất tật/ nước mắt”.
Sau chiến tranh, Thanh Thảo với những tìm tòi lại bắt đầu khuấy động thi đàn. Có người đánh giá cao những đóng góp của anh trong mảng thơ chiến tranh, cũng có người cho rằng mảng thơ sau chiến tranh, với những nỗi đau thường ngày, với những trăn trở cách tân, cho thấy một diện mạo sâu sắc, đầy đủ hơn về Thanh Thảo.
Nguyễn Việt Chiến (Theo TNO)
Bình luận (0)