Nhưng thực tế chắc cũng chẳng cấm được. Trừ phi ráo riết như Hàn Quốc vào những năm 1990 sẵn sàng bỏ tù người vi phạm. Tuy nhiên, nhà giàu Hàn Quốc hiểu kiến thức là một cách để giữ tiền nên liên tục tìm cách lách luật. Năm 1998, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Seoul danh giá phải từ chức vì mở lớp dạy thêm cho con gái. Đến đầu những năm 2000, chính phủ Hàn Quốc cũng phải thỏa hiệp với dạy thêm. Sau khi tòa án phán quyết lệnh cấm dạy thêm vi phạm quyền giáo dục cá nhân. Tuy nhiên, các cơ sở dạy thêm phải đảm bảo đóng cửa trước 10h tối và không thu học phí hằng tháng cao hơn 830 USD (khoảng 20 triệu đồng).
Trung Quốc cương quyết cấm dạy thêm từ 2022 – kết liễu một ngành kinh doanh ước tính trị giá hơn 100 tỷ USD, mang lại việc làm cho khoảng 10 triệu người. Các lý do cấm: cứu học sinh khỏi tình trạng kiệt sức, giảm bất bình đẳng và áp lực tài chính lên phụ huynh. Học thêm khiến chi phí giáo dục cũng như nuôi con tăng cao thậm chí còn được coi là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cứ 10 học sinh Hàn Quốc thì có 8 học thêm tại các cơ sở giáo dục tư nhân. Hàn Quốc có kiểu thi đại học liền tù tì 9 tiếng gây áp lực buộc học sinh phải luyện thi bên ngoài. Cuộc thi này quyết định nghề nghiệp và cả tương lai hôn nhân của học sinh. Trong một xã hội coi trọng điểm số và bằng cấp như Hàn Quốc, tỷ lệ người trẻ trầm cảm và tự tử cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Như vậy, có thể coi việc đi học thêm ở xứ Hàn là để mưu cầu kiến thức và thu nhập sau này. Nhiều bậc cha mẹ Việt chắc cũng có ý nghĩ đó nhưng có khi còn nhiều hơn số người cho con đi học để khỏi bị cô giáo trù cho điểm thấp hoặc để biết trước đề thi – một kiểu ăn gian làm hại người không đi học. Với lại “quẳng” con cho thầy cô giáo thêm giờ nào bố mẹ cũng được rảnh tay giờ đó.
Người Nhật có vẻ thành thật với dạy thêm hơn cả. Họ cấm giáo viên có biên chế dạy thêm bên ngoài. Việc dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình bị xem là “kinh doanh sân sau”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Các cơ sở dạy thêm có hệ thống giáo viên cơ hữu riêng.
Việc học thêm ở Nhật không được chấp nhận ở cấp 1 và cấp 2. Cấp 2 có thể tham gia các CLB năng khiếu ngoài giờ, ở cấp 1 đã có các lớp giữ trẻ. Người cai quản các lớp này thường là giáo viên về hưu hoặc người có kỹ năng sư phạm cũng như kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Ở những lớp này, bọn trẻ không phải học thêm hay được hướng dẫn làm bài tập về nhà mà tự học, tự chơi (làm đồ chơi, chơi cờ, đánh bóng bàn…) và ăn nhẹ. Các lớp trông trẻ này xuất phát từ thực tế học sinh tan học vào 15h khi bố mẹ chưa tan làm.
Chặt chẽ hơn, việc học sinh có được trông giữ tại các lớp này lại do chính quyền địa phương quyết định. Tức là nếu bố mẹ không chứng minh đang đi làm toàn phần, học sinh phải về nhà sau khi tan trường. Thêm nữa, học sinh tiểu học Nhật Bản được rèn luyện tính tự lập từ sớm. Mỗi sáng hầu hết trẻ đều tự đi bộ hoặc bắt tàu điện đến trường.
Ở Việt Nam, tháng trước, người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho hay đã có văn bản gửi Thủ tướng từ 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện – từ đó có cơ sở pháp lý kiểm soát việc dạy thêm ngoài trường học, thế nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Thôi thì học thêm là quyền của mỗi cá nhân, nhưng đúng chuẩn phải là được học những gì không dạy ở chính khóa. Chứ không hóa ra nhà trường và thầy cô chưa làm tròn trách nhiệm?!
Bình luận (0)