Hôm nọ, cô cháu gái của tôi đang học lớp 4 thắc mắc: “Cô giáo cháu dạy: Từ ghép là từ ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau, ví dụ như mùa xuân, thương mến, dẻo dai, vững chắc…; vậy “chó má” cũng là từ ghép, trong đó cháu hiểu được tiếng “chó” là con chó, còn tiếng “má” nghĩa là gì hả bác?”. Băn khoăn tìm câu trả lời cho cháu, giở các sách giáo khoa, tôi thấy lí thuyết về từ ghép ở bậc tiểu học đúng như cô giáo của cháu đã dạy.
Tiết tập đọc của học sinh tiểu học tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh |
Thực ra, vì khái niệm về từ ghép ở bậc tiểu học đã được rút gọn đến mức sơ giản cho phù hợp với trình độ tiếp nhận ở lứa tuổi học sinh, nên đã gây ra cho các em sự băn khoăn như trên, chứ thực chất không phải tất cả từ ghép tiếng Việt đều được cấu tạo bởi phương thức “ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau”.
Chó má, giống má – “má” nghĩa là gì?
Trả lời câu hỏi của cháu, tôi tìm trong từ điển thì chỉ thấy 3 danh từ má đồng âm: “má”(1) là phương ngữ Nam bộ, có nghĩa là “Mẹ”; “má”(2) chỉ “Phần hai bên mặt, từ mũi và miệng đến tai và ở phía dưới mắt”, như Má lúm đồng tiền; còn “má”(3) là nói tắt cây rau má, như dây mơ rễ má. Tìm thêm những từ ghép chứa thành tố “má” thì thấy có 3 danh từ với các nghĩa: “chó má” là “Chó (nói khái quát); thường dùng để ví và làm tiếng chửi những kẻ đểu giả, xấu xa, mất hết nhân cách”; “giống má” nghĩa là “Giống để gieo trồng (nói khái quát)”; “lúa má”: “Lúa, về mặt đang được, gieo trồng, chăm sóc (nói khái quát)”.
Như vậy, 3 từ ghép trên không phải từ ghép chính phụ (nghĩa chỉ cụ thể một sự vật nào đó) mà đều thuộc loại từ ghép đẳng lập, biểu thị ý nghĩa khái quát và tổng hợp, nên luôn kèm theo trong phần giải nghĩa cụm từ “nói khái quát”. Đi sâu hơn, chúng thuộc loại “Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa”, có mô hình cấu trúc ngữ nghĩa AB = A hoặc B, tức là loại từ ghép mà các thành tố nội tại gần nghĩa/ đồng nghĩa với nhau và nghĩa khái quát chung của cả từ tương đương với ý nghĩa của một trong các thành tố cấu tạo nên từ đó. Ví dụ: tìm kiếm, nhanh chóng, sợ hãi, đổi thay… Cũng bởi vì nghĩa của cả từ ghép tương ứng với nghĩa của một thành tố, nên thành tố còn lại có xu hướng theo thời gian dần bị mờ nghĩa hoặc bị mất nghĩa, nó ít/ không còn khả năng hoạt động độc lập như các trường hợp: chiền (trong chùa chiền), đai (đất đai), núc (bếp núc), búa (chợ búa), sồng (nâu sồng)…, đồng thời, yếu tố rõ nghĩa còn lại sẽ làm cơ sở cho ngữ nghĩa của từ ghép đó. Vậy các tiếng “má” trong 3 từ ghép ấy, mà theo định nghĩa là “tiếng có nghĩa”, thì nghĩa của chúng là gì, có đồng nghĩa với nhau không?
Các nhà ngữ học đã xác định được tiếng “má” trong từ “chó má” cũng có nghĩa “con chó” trong tiếng dân tộc Thái [Long Điền]; còn tiếng “má” trong các từ “lúa má, giống má” là từ Việt cổ có nghĩa là “cây mạ” [Hội Khai Trí Tiến Đức].
Về một số thành tố mờ nghĩa tương tự
Tra tìm trong nhiều từ điển “tầm nguyên” và các sách về từ vựng học thì được biết từ ghép không phải bao giờ cũng được tổ hợp bởi các tiếng có nghĩa, mà nhiều trường hợp, trong từ ghép cũng tồn tại thành tố không rõ nghĩa. Các nhà từ vựng học lí giải: những yếu tố không rõ nghĩa này vốn rõ nghĩa nhưng bị bào mòn dần đi ở các mức độ khác nhau. Bằng con đường tìm tòi từ nguyên và lịch sử, người ta có thể dần xác định được nghĩa của một số trường hợp. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhất quán gọi loại đơn vị này là “thành tố mờ nghĩa”.
Do có sự giao thoa về ngôn ngữ nên trong tiếng Việt có rất nhiều từ ghép song tiết đơn nghĩa cấu tạo bởi hai tiếng đồng/ gần nghĩa của tiếng Việt cổ, hoặc từ hai ngôn ngữ khác nhau, có thể xuất xứ từ phương ngữ hoặc từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, và cũng không loại trừ từ tiếng nước ngoài. Hiện nay còn nhiều từ ghép đơn nghĩa có yếu tố bị mất nghĩa chưa thể tìm hiểu được nên nhiều từ cũng chưa thể biết rõ rằng tiếng ấy có nghĩa hay không. Tuy nhiên, dựa vào những cứ liệu lịch sử, gần đây các nhà từ nguyên học đã khôi phục được nghĩa của nhiều yếu tố mờ/ mất nghĩa trong tiếng Việt, như các trường hợp dưới đây: cộ (xe cộ) có nghĩa là “phương tiện vận chuyển không có bánh, do trâu bò kéo chạy trượt trên mặt đất”, thường dùng ở miền núi hoặc ruộng lầy; núc (bếp núc) chỉ ông đầu rau; xống (áo xống) có nghĩa là “cái váy”; dấu (yêu dấu) có nghĩa là “yêu”; tật (bệnh tật) có nghĩa là “bệnh”; búa (chợ búa) cũng có nghĩa là “chợ”, thường họp trên một đám đất rộng, không có lều quán, không có phiên, khác với “chợ” là nơi có lều quán, họp mỗi tháng nhiều phiên; sá (đường sá) nghĩa là “đường nhỏ”; áng (đồng áng) là “bãi phẳng chưa được khai khẩn”; âu (lo âu) có nghĩa là “lo lắng”; muộn (sầu muộn) có nghĩa là “buồn”; sồng (nâu sồng) là tên một loài cây có lá dùng nhuộm vải màu nâu sẫm, công dụng như củ nâu. Nâu sồng: “Có màu nâu và màu sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê”.
Dễ nhầm lẫn với từ láy
Tuy là từ ghép đẳng lập đơn nghĩa, nhưng nhiều trường hợp có hình thức ngữ âm tương tự như từ láy, dễ gây ngộ nhận: chiền (chùa chiền) là những ngôi chùa nhỏ, không có tự điền nhưng được thu thuế ở một ngôi chợ bên cạnh để dùng vào việc đèn hương cúng tế, khác với “chùa” có nguồn kinh tế là tự điền (ruộng sở hữu của nhà chùa) để lấy hoa lợi dùng vào việc cúng tế; đai (đất đai) là dải đất chạy dài; han (hỏi han) cũng có nghĩa là hỏi; khứa (khách khứa) là người bà con, hàng xóm, khi có khách đến chơi, gia chủ thường mời họ sang nhà mình tiếp khách cùng; là (lụa là) là một loại hàng tơ dệt thưa và mỏng; ngơi (nghỉ ngơi) cũng có nghĩa là nghỉ; nê (no nê) là trạng thái bụng hơi căng đầy khó tiêu, gây cảm giác khó chịu; rú (rừng rú) là núi có cây rậm; tác (tuổi tác) có nghĩa là tuổi (cao)…
Trong từ vựng tiếng Việt còn khá nhiều từ ghép có yếu tố mờ/ mất nghĩa như nêu trên, hiện vẫn chưa có đủ cứ liệu để khôi phục nguyên nghĩa của nó, dẫn đến tình trạng ngộ nhận khi phân loại, nó bị sắp xếp vào từ láy, từ ghép chính phụ… Hi vọng trong thời gian tới, những yếu tố mờ/ mất nghĩa ấy sẽ dần được khôi phục nghĩa, góp phần làm sáng tỏ thêm về mặt ngữ nghĩa của nhiều từ ngữ đang trong diện tồn nghi.
Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)