Chi tiêu không tiền mặt cho giải trí và hàng xa xỉ tại Việt Nam dự báo tiếp tục tăng nhờ tầng lớp trung lưu phát triển.
Số liệu mới công bố của Visa cho biết, giai đoạn từ cuối tháng 6/2017 đến cuối tháng 6/2018, thanh toán điện tử tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam, với số lượng thanh toán trên mạng lưới của đơn vị này tăng 45% với năm ngoái và doanh số sử dụng tăng gần 37%.
Ngoài ra, chi tiêu cho thương mại điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc với số lượng giao dịch tăng đến 44% trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến hết tháng 8/2018.
"Nền kinh tế Việt Nam hiện đang bước vào quỹ đạo phát triển mới khi các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng tham gia ngày càng nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Bằng việc cho phép các doanh nghiệp thực hiện giao dịch với chủ thẻ khắp nơi trên thế giới, người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử, hứa hẹn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai", ông Sean Preston – Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhận định.
Ông Preston cũng tỏ ra lạc quan về công nghệ thanh toán không tiếp xúc, nhất là khi tầng lớp trung lưu tăng mạnh. "Khi tỷ lệ gia nhập tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng tăng và nhiều hộ gia đình có quỹ tự chủ để chi tiêu, người ta sẽ chi nhiều hơn cho các dịch vụ giải trí và các mặt hàng xa xỉ. Công nghệ thanh toán không tiếp xúc giúp họ mua sắm hiệu quả, có thêm thời gian cho những điều quan trọng khác trong cuộc sống", ông nói.
Nghiên cứu của Mckinsey năm 2016 cho biết, việc áp dụng và sử dụng rộng rãi tài chính kỹ thuật số có thể làm tăng GDP của tất các các nền kinh tế mới nổi lên 6%, tương đương 3.700 tỷ USD vào năm 2025. Tổng giá trị GDP này có thể tạo ra đến 95 triệu cơ hội việc làm mới cho tất cả các lĩnh vực khác nhau về kinh tế.
Viễn Thông/ VNE
Bình luận (0)