Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh toán không dùng tiền mặt: Làm sao để tránh rủi ro?

Tạp Chí Giáo Dục

Cả nước đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) do nhiều lợi ích. Tuy nhiên vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm là làm sao để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn khi họ mở tài khoản…


Người dân TP.HCM tham gia ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính – cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực tài chính. Kết quả, đến nay các đơn vị này thực hiện thu ngân sách bằng cách không dùng tiền mặt lên đến 99%. Ngoài ra, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ thu chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,9% tổng thu chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước. Và thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM trong thu chi ngân sách, nộp thuế điện tử.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hạn chế TTKDTM là có thể bị hacker đánh cắp dữ liệu. Bảo mật và an ninh rất quan trọng nếu không sẽ mất tiền trong tài khoản người sử dụng…

Có thể thấy, TTKDTM tăng trưởng hàng năm về giá trị và mang lại nhiều lợi ích lớn. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này cũng đang đối diện với khó khăn về tính bảo mật. Trong đó, có 5 hình thức gian lận điển hình là lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông; kêu gọi tham gia đầu tư tài chính; lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Webchat…); kêu gọi làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…

Ông Nguyễn Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an – thông tin, năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 80.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng rất khó, trong đó phải kể đến đối tượng cấu kết trong nước và nước ngoài.

Để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, ông Giang cho rằng cần hạn chế sim “rác”, tài khoản “rác” thông qua định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mặt khác, ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật. Làm việc với Google, Facebook… kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin tội phạm lừa đảo qua mạng. Phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng (dự kiến ra mắt trong quý 3-2024).

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước – cho hay, ngân hàng đã và đang tổ chức nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, xác thực khi thực hiện giao dịch; triển khai giải pháp công nghệ bằng cách làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống lừa đảo qua mạng đảm bảo quyền lợi khách hàng. Trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý an ninh an toàn nhằm nâng cao bảo mật. Đồng thời, nâng cao nhận thức cá nhân trong hoạt động thanh toán, tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng an toàn thủ đoạn, hành vi lừa đảo liên quan đến TTKDTM.

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)