Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – Vừa kiểm tra vừa khuyến cáo chống ăn cắp phần mềm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối về bảo hộ tác quyền phần mềm ở Việt Nam của Chính phủ, hàng loạt các hoạt động thanh kiểm tra cũng như các hình thức khuyến cáo tiếp tục được đẩy mạnh hơn trong tháng cuối năm.

Vào cuối tuần qua, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và gửi khuyến cáo chống vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến chương trình máy tính tới các công ty bán máy tính trên địa bàn Hà Nội. Các động thái quyết liệt này đã thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong chiến dịch giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Vào ngày 11.12, Đoàn Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tiến hành tuần tra nhắc nhở và gửi khuyến cáo trực tiếp tới các hàng loạt các công ty phân phối, bán máy tính trên phố Thái Hà. Trong đợt này, 12 công ty đã ký vào biên bản nhận khuyến cáo về chống vi phạm quyền SHTT liên quan đến chương trình máy tính.

Ngày 12.12, Đoàn thanh tra liên ngành đã thanh tra công ty TNHH Global Sourcenet, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất quần áo thời trang cao cấp, quần áo thể thao các loại xuất khẩu.

Tại đây, đoàn thanh tra đã phát hiện một số lượng lớn các phần mềm được cài đặt trong các máy tính nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty mà chưa được phép của chủ sở hữu.

Các phần mềm vi phạm bao gồm: 74 phần mềm Microsoft Window XP Professional; 74 chương trình Microsoft Office Professional 2000/2003; 65 chương trình Lạc Việt MTD 2002; 60 phần mềm ACD See Professional 8.0; 35 chương trình Symantec Antivirus và một số phần mềm khác.

TGĐ công ty TNHH Global Sourcenet, ông Kim Ki San và ông Vũ Trung Thông, phụ trách công nghệ thông tin thừa nhận số máy tính có sao chép, cài đặt, sử dụng các chương trình máy tính mà chưa được phép của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật. Công ty cũng cam kết sẽ mua bổ sung các chương trình phần mềm chưa có bản quyền. Được biết, tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp được phát hiện lên tới 1 tỷ đồng.

Ông Trần Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch cho biết: “Kể từ năm 2005, khi bộ Luật SHTT được khởi thảo và hiện nay đã đi vào cuộc sống thì việc Chính phủ đặt cam kết của mình để bảo vệ quyền tác giả trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phần mềm là một quyết tâm lớn. Khi VN trở thành thành viên của WTO thì việc tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh trên mọi lĩnh vực là một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam”.

Chỉ sau gần 4 tháng khi Chương trình hợp tác về điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm tại Việt Nam được ký kết giữa các cơ quan Chính phủ với các Hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam và quốc tế, các cam kết hành động trong chương trình được triển khai một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vũ Xuân Thành cho biết: “ Việc nghiêm túc chấp hành các qui định pháp luật trong lĩnh vực bản quyền phần mềm không chỉ tránh cho doanh nghiệp vướng vào những rắc rối về mặt pháp lý mà còn giúp cho doanh nghiệp giữ được uy tín, hình ảnh của mình”.

Phạm Thanh Hoa (Theo TNO)

Bình luận (0)