Hoạt động thanh tra giáo dục (TTGD) trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm gây bức xúc cho xã hội như dạy thêm học thêm, thu chi ngoài quy định, liên kết đào tạo… Đó là những nội dung được đề cập tại Hội nghị trực tuyến Công tác TTGD toàn quốc tổ chức ngày 19-12.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thanh tra một số điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: D.Bình |
Giảm số lượng, tăng hiệu quả
Qua hơn 3 năm triển khai Nghị định 42 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động TTGD, hoạt động này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những kết quả nổi bật nhất đó là kế hoạch thanh tra của các sở GD-ĐT được xây dựng theo hướng giảm về số lượng nhưng có trọng tâm, trọng điểm theo hướng thanh tra sâu, vừa bao quát được các hoạt động quản lý, vừa giảm áp lực cho cơ sở. Nếu năm học 2012-2013, các cơ sở triển khai 897 cuộc thanh tra toàn diện, hơn 4.900 cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra hoạt động sư phạm của gần 22.000 giáo viên thì trong 3 năm đổi mới, các sở GD-ĐT chỉ tiến hành thanh tra hành chính hơn 3.100 cuộc, thanh tra chuyên ngành gần 4.000 cuộc.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, đổi mới về kỳ thi THPT quốc gia, thanh tra công tác tuyển sinh đã xây dựng kế hoạch tổ chức phối hợp thanh tra tại các cụm thi, điểm thi ở một số địa phương từ khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển. Các đoàn thanh tra một mặt góp ý giúp các hội đồng làm đúng chức trách của mình, một mặt phát hiện thiếu sót, tiêu cực để kịp thời phối hợp xử lý góp phần đảm bảo cho việc thi, tuyển sinh an toàn, nghiêm túc.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, năm 2016 đội ngũ thanh tra đã tiến hành thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản tại 3 trường: Trường ĐH Y khoa Vinh; Trường ĐH Kinh tế Nghệ An và Trường CĐ Nghề kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý số tiền trên 10 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 8 tổ chức, 21 cá nhân có sai phạm. Ngoài ra, thanh tra tỉnh Nghệ An đã tiến hành thanh tra liên kết đào tạo, kết quả xử phạt hành chính 15 triệu đồng với Trường TC Y dược Bắc Ninh và dừng tuyển sinh tại chi nhánh Nghệ An; xử phạt 5 triệu đồng với Trường TC Việt Anh do vi phạm trong việc liên kết đào tạo với Trường CĐ ASEAN…
Sở GD-ĐT Gia Lai thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trình độ TCCN giữa Trường TC Bách nghệ Thanh Hóa và Trường TC nghề số 15, Binh đoàn 15. Qua thanh tra đối với lớp TC y dược và dược sĩ thi vào Trường TC Bách nghệ Thanh Hóa đặt địa điểm đào tạo không đúng quy định. Đối với lớp TC sư phạm mầm non, trường chưa có hợp đồng liên kết đào tạo mà chỉ có hợp đồng thuê cơ sở vật chất…
Lực lượng thanh tra mỏng, dàn trải
Hiện Bộ GD-ĐT đã kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra bộ, đội ngũ cộng tác viên (CTV) thanh tra thuộc các đơn vị thuộc bộ có 51 lãnh đạo, chuyên viên của 21 vụ, cục và tương đương, 216 cán bộ của 65 cơ sở giáo dục trực thuộc bộ. Biên chế thanh tra của 63 sở GD-ĐT đã được quan tâm bổ sung, cán bộ thanh tra được bổ nhiệm ngạch ngày một tăng, năm học 2015-2016 là 221/303 người. Ngoài ra, lực lượng CTV TTGD của các sở GD-ĐT được lựa chọn từ cán bộ quản lý của sở, các cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên có kinh nghiệm trong năm học vừa qua hơn 15.600 người.
Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Nội dung thanh tra tập trung vào một số vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, vấn đề gây bức xúc xã hội như dạy thêm học thêm, thu chi ngoài quy định, sử dụng văn bằng chứng chỉ, chế độ chính sách đối với CB-GV-NV và học sinh, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục…”. |
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, do chưa có quy định cụ thể về định biên TTGD nên một số sở GD-ĐT chỉ có 2-3 cán bộ thanh tra. Năng lực, kinh nghiệm công tác của một số cán bộ thanh tra và CTV TTGD còn hạn chế…
Vì một trong những hạn chế này mà bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng: “Thời hạn thanh tra kéo dài, vi phạm thời gian quy định pháp luật”.
Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ninh cũng cho biết: “Hiện thanh tra chuyên ngành giáo dục của sở có 5 người và hơn 400 CTV nên lực lượng còn rất mỏng. Vì vậy, sở đã rà soát lại lực lượng CTV TTGD để đưa ra ngoài những CTV chưa thực hiện tốt công việc, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra không dàn trải và theo thứ tự ưu tiên…”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá hoạt động TTGD đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc chuyển hoạt động thanh tra chủ yếu về chuyên môn sang thanh tra quản lý. Phó Tổng thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra ngành giáo dục, xây dựng nội dung, chương trình cụ thể để trình Chính phủ giải quyết. Đối với công tác biên chế, ông Huấn cho hay, Thanh tra Chính phủ đang rà soát lại những khó khăn của các bộ, ngành để kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ có hướng giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng ghi nhận hoạt động TTGD đã có những khởi sắc, đổi mới căn bản về phương thức, quan điểm. Để đạt được thành quả này, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT là nhờ cán bộ lãnh đạo từ bộ đến cơ sở đã quan tâm đến vai trò quan trọng của công tác này, đồng thời có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ thanh tra các cấp…
Ông Hùng nhấn mạnh: “Công tác này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, đặc biệt là chuẩn hóa đội ngũ thanh tra, từ xây dựng kế hoạch đến tiến hành thanh tra, phát triển đội ngũ cán bộ và thanh tra viên TTGD, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo phức tạp…”.
Dương Bình
Bình luận (0)