Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh tra trong ngành giáo dục: Vẫn còn nhầm lẫn nhiệm vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Báo cáo tại hội thảo, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Tông Duy Hiến cho biết tính từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, thanh tra các sở GD-ĐT đã thanh tra hành chính 612 cuộc, thanh tra chuyên ngành được 1.030 cuộc, thanh tra đột xuất 105 cuộc. Công tác thanh tra thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Có sở GD-ĐT chưa nắm rõ thẩm quyền thanh tra, chưa xây dựng kế hoạch thanh tra các trường CĐ, ĐH, TCCN thẩm quyền quản lý được quy định tại Nghị định 115; chưa rà soát, bổ sung nhiệm vụ của thanh tra sở để đề xuất, bổ sung lực lượng thanh tra chuyên trách; công nhận cộng tác viên thanh tra số lượng lớn theo môn học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục hiện nay. Việc triển khai hoạt động thanh tra tiến hành chưa đúng trình tự, đủ thủ tục quy định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Theo ông Hiến, thời gian tới, không quá chú trọng thanh tra theo số lượng mà tăng cường hiệu quả và khả năng tác động vào hệ thống; Ban hành văn bản quy định về quy trình đặc thù ngành giáo dục để áp dụng thống nhất trong hệ thống cơ quan thanh tra giáo dục…

Bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Một trong những hướng đổi mới quan trọng của công tác thanh tra trong thời gian tới là tách bạch quản lý Nhà nước và quản lý chuyên môn. Lâu nay chúng ta hay nhầm lẫn vì các cơ quan Nhà nước tham gia nhiều vào việc của các cơ quan chuyên môn. Quản lý Nhà nước và quản lý chuyên môn có quan hệ với nhau nhưng phải tách bạch để đúng thẩm quyền, đúng chức năng. Từ xưa đến nay, các cơ quan Nhà nước can thiệp nhiều vào chuyên môn nên phát huy dân chủ, sáng kiến của từng người cũng như tự chủ của các cơ sở bị hạn chế. Quản lý Nhà nước sẽ làm nhiệm vụ thanh tra đảm bảo công tác thanh tra đó theo đúng quy định của pháp luật, còn công tác thanh tra hướng dẫn về chuyên môn thì phải để các cơ sở tự chủ phát huy sáng kiến. Nếu cần có thể yêu cầu giải trình, không được quyết thay về chuyên môn của giáo viên, nhà trường. Trước đây có thanh tra chuyên môn, thanh tra chuyên môn xếp loại hiệu trưởng, thanh tra chuyên môn xếp loại giáo viên. Bây giờ không làm việc đó nữa, việc xếp loại nhà trường sẽ được thực hiện qua kênh kiểm định chất lượng; việc xếp loại hiệu trưởng, xếp loại giáo viên sẽ thực hiện qua xếp loại theo chuẩn hiệu trưởng, xếp loại qua chuẩn giáo viên nhưng coi trọng trước hết là tự xếp loại, tự đánh giá để họ thấy cái gì mạnh thì tiếp tục phát huy, cái gì hạn chế thì tập trung vào đó để tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực của mình.

Trong quá trình đổi mới 2 năm qua, một số cơ sở, một số địa phương đã thực hiện tốt việc này tuy nhiên, vẫn có nơi chưa hiểu đúng hoặc chưa làm tốt.

PV: Có nơi chưa hiểu đúng, nghĩa là sao, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chủ yếu vẫn là nhầm lẫn, chưa hiểu rõ, chưa tách bạch được giữa quản lý Nhà nước và quản lý chuyên môn, chưa hiểu rõ quyền tự chủ của nhà trường và quyền tự chủ, tự do học thuật trong hoạt động chuyên môn của giáo viên với việc họ phải tuân theo những quy định về quản lý như thế nào. Từ đó dẫn tới việc chưa phân bạch được quản lý Nhà nước, quản lý chuyên môn, công tác thanh tra cũng chưa làm rõ. Nên phải rút kinh nghiệm qua những việc cụ thể.

Chưa tách bạch được nên quản lý can thiệp quá sâu vào chuyên môn làm họ phải tuân theo những quy định một cách cứng nhắc mà chưa chắc đấy là quy định của cấp trên, có khi lại là của một số cơ quan đặt ra những điều đó làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo.

Ông đánh giá thanh tra đã phát huy hết vai trò chưa?

Đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa hiểu hết đúng tinh thần của đổi mới quản lý nói chung, thanh tra nói riêng.

Mỗi năm giáo viên, nhà trường phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra nên họ rất sợ?

Bây giờ không yêu cầu cơ quan kiểm tra phải làm như vậy. Không can thiệp sâu giáo án soạn thế nào, mà quan trọng học sinh học thế nào và góp ý với giáo viên. Phải dự giờ để giúp người ta biết cách đổi mới. Trước đây dự giờ, nhìn giáo viên dạy thế nào, giờ dự giờ bây giờ nhìn học sinh học thế nào…

Thời gian qua, dư luận quan tâm rất nhiều là thanh tra về quản lý tài chính tại các trường, vấn đề này thì sao thưa ông?

Các văn bản Nhà nước quy định các khoản đóng góp, sử dụng tiền hỗ trợ rất đầy đủ nhưng nếu thực hiện đúng thì vừa dễ, vừa khó.

Dễ là huy động được sự đóng góp của nhiều người, với người có điều kiện đóng góp cho nhà trường nhiều nhưng nếu góp theo bình quân, người có khả năng góp ít, người không có phải góp theo. Nên bị hạn chế. Cái khó là làm sao huy động được tính tự nguyện, khai thác đúng được hảo tâm của người có khả năng thì phải nhờ hoạt động quản lý. Nhiều hiệu trưởng ngại các quy định nên vẫn bằng cách này cách khác ép buộc, theo phong cách cũ không đảm bảo tính dân chủ đặc biệt không đảm bảo tính tự nguyện. Khi thu góp, muốn cho người ta nhiệt tình đóng góp với mình thì phải quản lý một cách công khai, dân chủ, đảm bảo sự giám sát, cho thấy hiệu quả sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao, góp phần vào việc dạy và học… Nhiều trường không làm tốt nên việc thu góp mang tính bắt buộc.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)