Hội nhậpThế giới 24h

Thành viên EU giải thích lý do Ukraina khó gia nhập liên minh

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Hà Lan cho biết, có quá nhiều nước thành viên Liên minh Châu Âu phản đối ý tưởng Ukraina gia nhập EU.
Một người cầm biểu ngữ ủng hộ Ukraina gia nhập EU ở Pháp, tháng 3.2022.
Phát biểu trước quốc hội hôm 23.5, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, cơ hội Ukraina gia nhập EU hoặc thậm chí có được tư cách ứng cử viên là không lớn, bởi có quá nhiều quốc gia thành viên phản đối ý tưởng này. Theo Thủ tướng Rutte, điều đó sẽ không công bằng đối với các quốc gia ở Tây Balkan, những nước đã phải xếp hàng từ lâu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Rutte lưu ý, Ukraina vẫn có thể nhận được tư cách ứng viên tiềm năng. Ukraina sẽ được thông báo các bước cần thực hiện, cũng như cần cải cách như thế nào để có thể trở thành một ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU – theo quy trình tương tự áp dụng cho Bosnia.
Thủ tướng Hà Lan giải thích, động thái như vậy sẽ đảm bảo rằng, các nhà chức trách Ukraina “không bị mất động lực”, mặc dù ông thừa nhận Kiev vẫn còn “rất lâu” mới có thể trở thành một ứng cử viên, chẳng hạn như Moldova. Tuy nhiên, ông Rutte tin rằng, tất cả quốc gia trên lục địa Châu Âu cuối cùng đều có quyền gia nhập EU miễn là họ đáp ứng các điều kiện.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Một số đảng của Hà Lan tại hạ viện, bao gồm cả hai phe đối lập, gần đây đã kêu gọi nên chọn Ukraina là ứng cử viên càng sớm càng tốt, tuy nhiên, đảng Dân chủ và Tự do Nhân dân (VVD) cầm quyền của Thủ tướng Rutte vẫn chưa đồng ý cấp cho Kiev quy chế đó.
Về những lời hứa với Kiev của các nhà lãnh đạo Châu Âu khác, Thủ tướng Rutte giải thích, tuyên bố của họ về tư cách thành viên EU của Ukraina mang tính "tình cảm" hơn là "hợp pháp".
Các quan điểm của Thủ tướng Hà Lan gần đây đã được một nước thành viên EU khác chia sẻ. Hôm 22.5, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Châu Âu của Pháp, ông Clement Beaune tuyên bố rằng, việc Ukraina gia nhập EU có thể mất vài thập kỷ.
“Chúng tôi phải trung thực. Nếu chúng tôi nói rằng, Ukraina sẽ gia nhập EU trong sáu tháng, một năm hoặc hai năm, chúng tôi đang nói dối. Điều đó không đúng. Có lẽ là 15 hoặc 20 năm. Phải mất một thời gian rất dài” – ông Beaune nói với Đài J có trụ sở tại Paris, đồng thời bổ sung rằng ông không muốn cho Kiev bất kỳ “ảo tưởng hay lời nói dối nào”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Pháp lưu ý, Ukraina vẫn nên trở thành một phần trong đời sống chính trị của EU, nhưng trước hết Kiev có thể tham gia một cộng đồng chính trị Châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Đầu tháng này, Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận rằng, quá trình gia nhập EU của Ukraina có thể mất “vài thập kỷ”. "Ngay cả khi chúng tôi cho họ tư cách ứng cử viên vào ngày mai, tất cả chúng ta đều biết rõ rằng, quá trình cho phép họ tham gia sẽ mất vài năm, thực tế là vài thập kỷ" – ông Macron phát biểu tại phiên họp của Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg vào ngày 9.5.
Thay vào đó, EU có thể thiết lập một “cộng đồng chính trị Châu Âu” cho Ukraina và các nước không phải thành viên khác, “sẽ cho phép các quốc gia Châu Âu dân chủ… tìm kiếm một không gian mới cho hợp tác chính trị, an ninh, hợp tác năng lượng, giao thông, đầu tư, cơ sở hạ tầng…” – Tổng thống Pháp gợi ý.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Macron không nhận được sự ủng hộ của giới chức hàng đầu Ukraina. Kiev từ chối bất kỳ nỗ lực nào để đưa nước này thay thế vị trí thành viên chính thức của EU. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cáo buộc ý tưởng này là kết quả của áp lực từ Nga.
“Chúng tôi không cần thỏa hiệp. Đây sẽ không phải là những thỏa hiệp giữa Châu Âu và Ukraina mà là một thỏa hiệp khác giữa Châu Âu và Nga” – RT dẫn lời ông Zelensky nói hôm 21.5. “Tôi hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Đây là ảnh hưởng ngoại giao, chính trị của các quan chức và những người vận động hành lang của Nga” – nhà lãnh đạo Ukraina nói thêm.
Tư cách thành viên EU là một trong những mục tiêu quan trọng mà các chính trị gia thân phương Tây của Ukraina đặt ra trong nhiều thập kỷ, mặc dù có rất ít hoặc không có tiến triển trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ukraina tiếp tục khẳng định nước này nên được chấp nhận gia nhập khối, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự quy mô ở Ukraina vào cuối tháng 2.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)