Nhiều loại thảo dược chữa đau khớp, có thể dùng riêng từng vị hoặc phối hợp chung trong một bài thuốc để sắc uống hoặc điều chế dạng rượu thuốc. Có thể mua các thảo dược này tại các phòng khám bệnh y học cổ truyền.
Cà gai leo (Solanum procumbens) dùng rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô mỗi ngày 10 – 20g dạng thuốc sắc. Tác dụng chữa phong thấp, đau nhức các đầu gân xương.
Người dân hay dùng bài thuốc rượu chữa thấp khớp gồm: Lá lốt 800g, cà gai leo 300g, cỏ xước 300g, thổ phục linh 300g, quế chi 100g, thiên niên kiện 300g, tất cả phơi khô, tán nhỏ, ngâm trong 5 lít rượu trắng ngon trong 7 – 10 ngày, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30ml.
Cỏ xước (Achyranthes aspera), còn gọi là ngưu tất nam. Dùng cả cây và rễ, cây có chứa nhiều saponin tác dụng chống viêm rất tốt, mỗi ngày dùng 10 – 16g dạng nước sắc chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng.
Lá lốt (Piper lolot) dùng lá làm rau ăn và làm thuốc chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại, ngày 8 – 12g, sắc riêng hoặc sắc chung với dây đau xương, cốt khí củ, rễ cỏ xước đồng lượng. Có thể nấu nước ngâm tay chân cho người hay bị đổ mồ hôi tay chân.
Lá lốt vừa làm rau ăn và vừa làm thuốc chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại. |
Thổ phục linh (Smilax glabra), dùng thân rễ phơi khô, có tác dụng lợi gân cốt, kiện tỳ, giải độc, tiêu phù. Mỗi ngày dùng 10 – 12g sắc uống hoặc phối hợp thành bài thuốc gồm thổ phục linh 20g, thiên niên kiện, đương quy đều 8g, bạch chỉ 6g, cốt toái bổ 10g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt tay chân.
Dây đau xương (Tinospora tomentosa) dùng thân dây, 8 – 12g trong ngày, sắc uống chữa bệnh tê thấp và đau nhức gân cốt, bồi bổ sức khoẻ. Có thể giã lá tươi trộn với rượu đắp lên các chỗ sưng đau.
Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium), dùng quả chín vàng khô. Quả có vị đắng, tính mát, tác dụng tán phong trừ thấp, ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc chữa phong thấp, tay chân co rút, các khớp sưng đau.
DS Lê Kim Phụng / Bee.net
Bình luận (0)