Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thảo dược trôi nổi và lang vườn hành nghề giữa chợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện một số chợ ở TP.HCM bỗng trở thành nơi bày bán cây thuốc. Hàng trăm loại thảo dược được đổ đống trên tấm bạt mỏng đặt dưới nền đất ẩm thấp, nhơ nhớp.

Miệng kê toa, tay hốt thuốc

7g sáng, chợ Rạch Ông (Q.8) tấp nập khách, nhưng khách tụ tập đông nhất là điểm bán các loại cây thuốc nam, thuốc bắc, gồm ba kích, bạc hà, bạch chỉ, bách hợp, bạch quả, băng phiến, bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo… 

Một phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi than: “Dạo này tui khó ngủ, người hay mệt, ăn không ngon miệng. Cô hốt giúp tui vài thang”. Chỉ nghe lời mô tả triệu chứng qua loa trên, người nữ bán thuốc liền hốt mớ đào nhân, tây dương sâm, long nhãn, đại táo nhục, tâm sen, hạt muồng và một số loại cây khác không rõ tên rồi chia thành 10 thang thuốc, nói: “Uống xong 10 thang này, bảo đảm xổ người, ăn ngon, ngủ  khỏe”. 

Hàng trăm loại thảo dược không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Rạch Ông (Q.8)

Khi nghe một khách hàng khác tả “chồng hay nhậu, muốn mua thuốc giải độc gan”, người bán vội lôi trong giỏ ra một bịch lá y như lá phượng khô rồi dặn: “Phan tả diệp đó, mỗi ngày hốt một nắm nấu nước uống xổ độc. Không chỉ giải độc gan, còn giải độc máu, ngừa ung thư rất hiệu quả”. 

Nghe chúng tôi muốn mua các loại thảo dược giảm cân, người bán cho biết, hiện đang có thuốc viên, bao giảm cân cấp tốc. Bà này lôi ra bịch thuốc lớn, trong đó có hàng trăm bịch nhỏ, mỗi bịch chứa 120 viên thuốc màu đen, không nhãn mác. Theo người bán, đây là thuốc giảm cân gia truyền, do bài thuốc có quá nhiều loại thảo dược nên gia đình bào chế sẵn, trước khi ăn uống 4 viên, mỗi tháng giảm ít nhất 4-5kg.

Chúng tôi nói muốn mua thảo dược chưa bào chế, bà này lấy bao ni-lông hốt đủ loại gồm rễ dứa dai, chuối hột khô, rễ cỏ tranh, bông mã đề, kim tiền thảo, rễ cây lau, rễ cỏ ống… với giá 35.000 đồng/gói rồi dặn nấu với nước uống thay nước lọc hoặc sắc lấy nước, uống 2-3 lần/ngày trước bữa ăn. Người bán chỉ hốt phỏng chừng theo nắm tay, không cân, cũng không nói hạn dùng trong bao lâu.

Tương tự, tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Thái Bình (Q.1), thường xuyên xuất hiện người đến rao bán các loại củ sâm nhỏ li ti nói là sâm Ngọc Linh. Thậm chí một số loại sâm quý hiếm từ Sách đỏ cũng tràn ra chợ như sâm cau, sâm quy, được bán với giá “rẻ như cho”.

Điểm chung của các chợ thảo dược là để hàng phơi trần dưới nắng, bụi bẩn. Dù biết các điểm bán trôi nổi nhưng người dân vẫn tin tưởng mua uống, không hỏi xuất xứ, thậm chí không quan tâm người bán có kiến thức về y học cổ truyền hay không. 

Bỏ tiền mua bệnh

Đem đống thuốc giảm cân mua tại chợ nhờ lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP.HCM) phân tích, ông cho biết, đó là các loại thảo dược gây lợi tiểu mạnh, chủ yếu để xổ sỏi thận, sỏi bàng quang. Theo lương y Nghĩa, người bán đã bốc các loại có tác dụng lợi tiểu để gây mất nước, giảm cân nhanh chóng. Ông cảnh báo, nếu tiểu quá nhiều, sẽ làm cơ thể mệt mỏi, hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa. 

Phân tích thang thuốc giúp ăn ngon, ngủ ngon, lương y Nghĩa cho rằng, người bán thuốc cũng có hiểu biết về y học, bởi các thảo dược này đều có công dụng giúp an thần, dễ ngủ, ngủ ngon. Tuy nhiên, lương y Nghĩa vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng các thảo dược này. Hiện nay, thuốc Đông y có nguồn gốc trong nước chiếm khoảng 10-20%, 80-90% còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nếu thuốc nhập lậu thì chất lượng không được bảo đảm. 

Khi được bán tại chợ trong điều kiện bảo quản sơ sài, thuốc rất dễ bị ẩm, mốc. Theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện 30% dược phẩm Đông y đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin. Độc tố này gây tổn thương gan, ung thư gan. Tiến sĩ Phan Thế Đồng (Khoa Khoa học công nghệ, Trường đại học Hoa Sen) khẳng định, một số độc tố trong nấm mốc vẫn tồn tại ở nhiệt độ cao, có khi tới 2000C, trong khi nhiều người dân quan niệm sai lầm rằng, khi đun sôi kỹ, thậm chí sắc thuốc trong thời gian dài, vi khuẩn, nấm mốc sẽ chết. 

Hiện người ta thường dùng lưu huỳnh để bảo quản dược liệu Đông y. Theo bác Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM), lưu huỳnh cũng là vị thuốc của Đông y. Lưu huỳnh không chỉ bảo quản dược liệu mà còn được dùng bảo quản thực phẩm như măng khô, nhãn khô, vải khô… Lưu huỳnh khi đốt để sấy tạo thành khí SO2, khí này bay khắp nơi và xông vào mọi ngóc ngách của dược liệu. Trong quá trình bảo quản, một phần khí SO2 sẽ bay hơi, đến khi sử dụng làm thuốc thì trong quá trình chế biến (rửa, sắc thuốc), khí SO2 cũng bay hết.

“Việc xông hơi lưu huỳnh để bảo quản dược liệu là được phép, nhưng không quá liều lượng 30ppm (30 phần triệu), bởi nồng độ khí SO2 nếu vượt quá tiêu chuẩn sẽ ngấm vào thảo dược, có thể gây ngộ độc cho người dùng” – tiến sĩ Phan Thế Đồng cảnh báo. 

Theo ban quản lý các chợ, họ chỉ có thể nhắc nhở bằng cách thường xuyên phát loa tuyên truyền, vận động các ngành hàng phải bán sản phẩm có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, chứ không có chức năng kiểm tra, xử lý. Không rõ các ngành chức năng có “để mắt” hay không, nhưng trên thực tế, thảo dược không rõ nguồn gốc hiện đang tràn ngập các chợ. 

Theo Thanh Hoa/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)