Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thao giảng: Thầy lo, trò khổ

Tạp Chí Giáo Dục

Vào năm học mới, khi tất cả công việc “khởi động” đã đi vào nề nếp, đến cuối tháng 10 và tháng 11, các giáo viên (GV) bắt đầu “tăng tốc” với hoạt động dự giờ, lên tiết thao giảng, thi GV giỏi…
Khi nói đến dạy tiết thao giảng, dù chỉ là cấp trường, những người trong ngành có thâm niên lâu năm hay mới vào nghề đều có cùng suy nghĩ: Đó chỉ là trò “diễn kịch” mà đạo diễn chính là người thầy, còn diễn viên không ai khác là học sinh (HS) của mình. Còn  GV đi dự giờ gặp phải tiết học như thế này cũng rất ngán ngẩm nhưng đành phải ra vẻ bình thản cố gắng ngồi dự cho hết giờ, không ai lên tiếng bày tỏ thái độ không bằng lòng của mình với đồng nghiệp.
Tôi từng nghe một đồng nghiệp kể câu chuyện “không đồng tình với việc dạy trước của GV” như sau: Một hôm chuyên viên của Bộ GD-ĐT đến dự giờ GV tại một trường tiểu học dạy theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), vị chuyên viên này dự giờ lớp nọ chừng 10 phút là bỏ ra ngoài gặp gỡ trao đổi với các GV khác trong trường. Thấy vậy, các chuyên viên của phòng GD-ĐT lo lắng không biết điều gì đã xảy ra làm ông khó chịu như thế. Hỏi mãi, cuối cùng ông mới nói: “Bài học này cô giáo đã dạy HS trước rồi, giờ tôi dự nữa làm gì?”. Thực tế GV cho biết đúng như vậy, vì hôm nay theo thời khóa biểu dạy đúng bài ôn tập cuối học kì, nội dung không có gì mới nên GV này đành phải dạy lại bài của tuần trước. Tại sao khi dạy tiết thao giảng là có chuyện GV tập dượt trước cho HS? Thật ra thực trạng này tồn tại lâu nay mà không ai nghĩ ra kế sách thật hay để thầy dạy thật – trò học thật một cách khả thi nhằm giúp người GV thoát khỏi vòng vây luẩn quẩn thầy trò cùng “diễn kịch” để rồi mọi người cứ lên án, trách móc.
Theo tôi biết, không có GV nào tự tin mạnh dạn xung phong nhận nhiệm vụ dạy tiết thao giảng từ cấp trường chứ đừng nói đến cấp quận/huyện. GV thường “bị” ban giám hiệu chỉ định làm nhiệm vụ nên thường có tâm trạng lo lắng không biết dạy như thế nào, giáo án soạn có chi tiết không, phối hợp các phương pháp dạy – học ra sao…
Và để người dự giờ không hoặc ít phát hiện khiếm khuyết của mình, đánh giá cao hiệu quả tiết dạy thì thế nào người dạy cũng buộc lòng phải dạy trước cho các GV trong tổ/khối xem rút kinh nghiệm, sau đó mới “dượt” cho HS để tiết dạy thật trơn tru chờ ngày mang ra “biểu diễn”. Theo tôi, để đạt được mục đích dạy thật – học thật, không còn xảy ra hiện tượng “diễn kịch” khi dạy tiết thao giảng thì chúng ta vẫn “ngầm” cho phép GV dạy trước với HS lớp khác; những mục tiêu, hoạt động, phương pháp dạy, hình thức tổ chức GV thiết kế trong giáo án cứ thoải mái mang ra sử dụng để tất cả GV trong tổ/khối nhận thấy mặt tích cực và hạn chế mà rút kinh nghiệm. Đến ngày thực dạy tiết thao giảng thì GV sẽ dạy chính HS của lớp mình. Làm như thế tôi đảm bảo người GV sẽ hứng thú vì cả thầy và trò hoàn toàn không thuộc “kịch bản”.
Trần Văn Tám  (TP.HCM)

Bình luận (0)