Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những đóng góp kinh tế của TP.HCM để cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, chống được suy thoái, đảm bảo được 5 cân đối lớn của kinh tế. Việc đầu tư phát triển cho TP.HCM 1 đồng sẽ tăng 3, 4 đồng đầu tư một nơi khác. Tuy nhiên, việc đầu tư cho TP.HCM vẫn chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm năng sẵn có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tuyến metro số 1 TP.HCM ngày 27-7 vừa qua. Ảnh: Nhật Bắc
Để TP.HCM phát triển xứng tầm, mới đây đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM nhằm tháo gỡ những ách tắc, vướng mắc gây cản trở sự bứt phá của TP…
Sự năng động, quyết liệt của TP.HCM đang giảm
Tại buổi làm việc, một số bộ ngành cho biết TP.HCM là địa phương trọng điểm đang phát triển mạnh mẽ đặc biệt về công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng đây lại là sức ép lên các tài nguyên, môi trường. TP có nhiều khu công nghiệp đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý môi trường bao gồm nước thải đô thị. Bởi hiện nay tỷ lệ xử lý nước thải đô thị trước khi thải ra môi trường rất thấp, khoảng 20%.
Từ thực trạng này, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – đề nghị, TP.HCM quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP và quận, huyện để phục vụ cho các dự án trọng điểm. Quy hoạch môi trường phải nằm trong quy hoạch chung của TP.
“Nước thải khu dân cư hoàn toàn thải ra sông, cần chú ý đầu tư thích hợp để bảo vệ các dòng sông Đồng Nai, Sài Gòn. Sự quan tâm phát triển đúng hướng sẽ giúp TP phát triển hiện đại, văn minh và bền vững”, ông Nhân nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng – cũng đề nghị TP.HCM sớm nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm để định hướng đầu tư phát triển, tăng tiện ích phục vụ nhân dân. Quy hoạch đóng vai trò quan trọng, làm cơ sở cho TP.HCM phát triển. Vì thế, TP và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực tập trung cho quy hoạch. Cần thực hiện lập đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn 2060, đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040 và đồ án quy hoạch phân khu khu vực Tây Bắc. Đồng thời, rà soát trong 600 đồ án quy hoạch phân khu để có điều chỉnh phù hợp.
“Theo Luật Quy hoạch đô thị, đối với quy hoạch chung cứ 5 năm sẽ rà soát điều chỉnh; quy hoạch phân khu, chi tiết là 3 năm để tránh xảy ra quy hoạch không khả thi, kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”, ông Nghị cho hay.
Hầu hết các bộ ngành đánh giá cao kết quả phục hồi, tăng trưởng kinh tế – xã hội của TP.HCM sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, mất mát. Kết quả thể hiện qua tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 7 tháng đầu năm tăng 7,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 282.965 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đại diện các bộ ngành cũng bày tỏ lo ngại sự năng động, quyết liệt của TP.HCM đang thay đổi theo chiều hướng giảm sẽ ảnh hưởng không chỉ riêng TP mà cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 và bố trí vốn cho dự án để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đối với việc tổ chức đấu thầu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP.HCM được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu… |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ, theo tinh thần của Thủ tướng, những chính sách gì chưa rõ thường đưa vào TP.HCM thí điểm nhưng hiện nay TP không nhận thí điểm thay vào đó đợi đúng quy định pháp luật mới thực hiện. Qua đây, ông mong muốn TP.HCM tiếp tục phát triển là trung tâm kinh tế năng động vốn có của mình, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Các bộ ngành sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trên tinh thần ủng hộ TP.HCM.
Tập trung đột phá chiến lược hạ tầng
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng đối với lãnh đạo TP.HCM nhằm đưa TP bứt phá phát triển mạnh mẽ…
Trải qua hơn 2 năm chống dịch phải đối diện với nhiều khó khăn, mất mát, hy sinh, TP.HCM đã bắt tay ngay vào phục hồi, tăng trưởng kinh tế – xã hội sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Trước các kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của TP.HCM thời gian qua.
“Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, TP.HCM đã phục hồi nhanh kinh tế – xã hội 6 tháng trên tất cả các lĩnh vực. Thành tích này góp phần vào thành tích chung của cả nước. Chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, chống được suy thoái, đảm bảo được 5 cân đối lớn của kinh tế”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, hiện nay bên cạnh các kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế – xã hội vẫn còn bộc lộ một số việc TP cần cố gắng hơn nữa bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tích cực trong công tác quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch phải đi trước một bước. Rà soát lại những vướng mắc trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội, chương trình hành động đối với TP.HCM để có những kiến nghị.
Đối với một số bức xúc phải giải quyết, nhất là liên quan các đề án, dự án sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra trên tinh thần không hợp thức hóa cái sai, phải tìm giải pháp, cơ chế chính sách xử lý tồn đọng.
Phân tích những khó khăn trước giá xăng dầu biến động, tác động chính sách của các nước, Thủ tướng yêu cầu phải xác định cả thời cơ thuận lợi lẫn thách thức để chuẩn bị tâm thế, sức lực, trí tuệ phát huy hết khả năng chống chọi những tác động bên ngoài.
Đối với các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tập trung đột phá chiến lược hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, phát triển xanh, bền vững. Tiếp tục đầu tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính. Và đột phá về thể chế cần rà soát, đánh giá lại để tháo gỡ vướng mắc.
Theo Thủ tướng, Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã có kế hoạch sẽ làm việc thường xuyên với TP.HCM, 1 năm cố gắng làm việc 4 lần. Các buổi làm việc tập trung rà soát công việc hàng quý, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)