Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

Góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW (ngày 25-10-2023) của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở (YTCS) trong tình hình mới, ngày 23-10-2024, Sở Y tế TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị YTCS TP.Cần Thơ lần thứ I năm 2024. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị nhằm góp phần phát triển hệ thống YTCS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị   

Gần 600 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Y tế, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế; đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng, các sở y tế và các sở ngành liên quan của nhiều tỉnh thành trong nước… đã dự.

TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết: Hệ thống YTCS ở Cần Thơ gồm 12 đơn vị (tuyến quận, huyện có 3 bệnh viện, 9 trung tâm y tế ) với 990 giường bệnh. Tuyến y tế xã, phường, thị trấn có 80 trạm y tế (TYT). 100% TYT đạt bộ tiêu chí quốc gia và có bác sĩ làm việc; 100% cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế, thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản; 4/7 bệnh viện, trung tâm y tế triển khai KCB theo yêu cầu. Tổng số cán bộ, nhân viên tuyến YTCS là 1.950 người; nhân viên y tế ấp, khu vực là 563 người; TP có 106 bác sĩ được đào tạo về y học gia đình.

Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết các giải pháp của Cần Thơ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, ngành y tế Cần Thơ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại 106 cơ sở y tế với 1.284.123 nhân khẩu có hồ sơ sức khỏe, đạt 99,2%; triển khai ứng dụng Medpro – Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ; đặc biệt là khánh thành mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình Cần Thơ tại 3 TYT, với những tăng cường về nhân lực trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, tăng cường ứng dụng CNTT, nhằm rút ngắn khoảng cách KCB giữa YTCS với tuyến trên… Tuy nhiên, YTCS của Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn như: Chính sách thu hút nhân lực hết hiệu lực và nguồn lực ngân sách hạn chế; quy định vị trí việc làm, và các dịch vụ được bảo hiểm y tế thanh toán chưa phù hợp với mô hình bác sĩ gia đình; cơ sở vật chất nhiều TYT xuống cấp; thiếu trang thiết bị…

TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, trình bày thực trạng y tế cơ sở Cần Thơ

Thống nhất với những khó khăn mà TS.BS Cường nêu, ThS. Vũ Nữ Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, bổ sung: “Là hệ thống y tế đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhưng YTCS của Việt Nam đổi mặt với nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là tình trạng thiếu trang thiết bị và nhân lực y tế, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng núi. Sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ giữa các tuyến/cấp; đã ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của người dân, hình thành thói quen đa số người dân KCB tại các cơ sở y tế tuyến trên. Đặc biệt, danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế tại tuyến YTCS ít hơn nhiều so với tuyến trên. Quỹ bảo hiểm y tế phân bổ cho YTCS chưa cao. TYT xã còn phụ thuộc cung ứng thuốc, thiết bị y tế và ký hợp đồng KCB bảo hiểm y tế thông qua bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá: Thời gian qua, lãnh đạo thành phố và Sở Y tế Cần Thơ rất quan tâm và đã có nhiều hoạt động, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến YTCS… Về khó khăn đối với hoạt động của YTCS, Thứ trưởng thông tin: Bộ Y tế đã và đang triển khai các văn bản pháp luật để các địa phương áp dụng, nâng cao chất lượng hoạt động YTCS. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 này, nếu không có gì thay đổi sẽ thông qua Luật Dược sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, trong đó có nhiều chính sách cụ thể liên quan đến KCB bảo hiểm y tế tại YTCS. Về tài chính, Bộ Y tế đã và đang nghiên cứu ban hành định mức KCB thanh toán bảo hiểm y tế, định mức kỹ thuật y tế dự phòng, định mức gói dịch vụ y tế cơ bản… làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước các cấp đặt hàng, giao nhiệm vụ cho YTCS, tạo động lực cho YTCS phát triển.

Các vị đại biểu dự hội nghị

Trong phạm vi địa phương, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo ngành y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đẩy mạnh quán triệt, triển khai Chỉ thị 25-CT/TW, Kế hoạch số 265-KH/TU ngày 26-01-2024 của Thành ủy và Kế hoạch số 95/KH-UBND của UBND thành phố nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS; hướng đến mục tiêu đến năm 2030: Mỗi TYT xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Tiếp tục rà soát và đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc YTCS theo phân cấp ngân sách; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho YTCS. Đổi mới phương thức hoạt động của YTCS, trong đó chú trọng: Tăng cường kết nối giữa YTCS với tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh. Phát triển mô hình bác sĩ gia đình; chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến thành phố, nâng cao năng lực cho tuyến quận/huyện; ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình để làm việc tại quận/huyện và xã/phường; điều động bác sĩ tuyến quận/huyện và chuyên gia hỗ trợ các TYT.

Kỹ thuật viên Medpro hướng dẫn cài ứng dụng Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ cho đại biểu

… Trong phiên hội thảo vào buổi chiều, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó nghiên cứu khoa học về “Xây dựng triển khai thí điểm mô hình chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu và chương trình Một sức khỏe tại Cần Thơ – Việt Nam”, của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, khẳng định: Các quốc gia có hệ thống y tế hướng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, về tổng thể, đã đạt được sức khỏe toàn dân tốt hơn với chi phí thấp hơn; giúp các bệnh viện tuyến trên giảm áp lực. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong y tế (cụ thể như kết nối và chia sẻ hồ sơ sức khỏe điện tử) giúp giảm tiêu thụ đáng kể thuốc và các dịch vụ xét nghiệm đắt tiền… Tham luận “Kinh nghiệm triển khai mô hình, đề án phát triển YTCS tại TP.HCM” được các đại biểu đánh giá cao về giá trị thực tiễn. Bên cạnh đó, các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn thuốc, vật tư và thiết bị y tế cho các đơn vị YTCS; những thành quả bước đầu trong ứng dụng Medpro – Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ – nền tảng công nghệ số kết nối hệ sinh thái y tế Cần Thơ, thực hiện sổ sức khỏe điện tử; giúp người bệnh chủ động chọn ngày, giờ khám bệnh; giảm thời gian chờ đợi; giảm thủ tục và giúp các cơ sở y tế quản lý tốt hồ sơ sức khỏe cá nhân… được nhiều đại biểu, nhất là lãnh đạo sở y tế các tỉnh, thành quan tâm, học tập.

Đan Phượng

Bình luận (0)