Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, chính sách điều hành cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa đưa ra các khuyến nghị về điều hành chính sách tài khóa, lãi suất tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Lạm phát trái quy luật
Đánh giá kinh tế Việt Nam 11 tháng qua, NFSC nhận định kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định, mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn năm ngoái là hoàn toàn khả thi vì dự báo cả năm 2013 lạm phát sẽ không quá 6,3%. Theo phân tích của NFSC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 0,34% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng đầu năm CPI đã tăng tổng cộng 5,5% nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng 5,78%. Như vậy, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11-2013 đã chậm lại và ở mức thấp thứ hai kể từ năm 2003 trở lại đây (chỉ sau năm 2009). Nguyên nhân chủ yếu do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu khiến mức tăng giá của các tháng cuối năm nay tăng thấp. Đây là diễn biến trái với thông lệ đã xác lập trong vòng 10 năm nay. Đặc biệt, lạm phát năm 2013 bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố chi phí đẩy như điều chỉnh giá dịch vụ công và giá các nhóm hàng cơ bản do nhà nước quản lý như giá điện, dịch vụ y tế. NFSC dự báo lạm phát tháng cuối cùng của năm 2013 tăng khoảng 0,5%-0,7% so với tháng 11 nếu không có điều chỉnh đột biến giá các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện…
Xưởng sản xuất của Công ty THIBIDI Ảnh: HỒNG THÚY
NFSC khuyến nghị trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, chính sách điều hành cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Trong trung hạn, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng là các nhân tố quan trọng cho phát triển của nền kinh tế.
Cần đưa tăng trưởng tín dụng lên 15%
Tuy nhiên, NFSC nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Sức mua của người dân chậm cải thiện, thể hiện qua mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, cũng như vận chuyển hàng hóa tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất dù đã cải thiện hơn, song vẫn còn khó khăn. Mức tăng chỉ số IIP (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp) cả năm 2013 dự kiến chỉ bằng năm 2012 (5,8%) thấp hơn so với các năm 2010, 2011. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 11 tháng qua vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp giảm tới 15,4%. Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng thấp (3,6%), thấp hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 23,5%.
Đối với chính sách tiền tệ, NFSC khuyến nghị cần tiếp tục triển khai các biện pháp đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong nước và triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về quy mô tín dụng, cơ quan này khuyến nghị cần đạt mức tăng trưởng tín dụng 14%-15% trong năm 2014 để đạt mức tăng trưởng hợp lý. Với chính sách tỉ giá, NFSC cho rằng chính sách tỉ giá cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong năm 2014, chính sách tỉ giá cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới.
Đối với chính sách tài khóa, NFSC khuyến nghị cần rà soát nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, tiết kiệm cho quản lý hành chính và hạn chế chính sách, chế độ làm tăng chi. Bên cạnh đó cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn trong 3 năm để vừa bảo đảm kỷ luật tài khóa, vừa tăng tính linh hoạt cho chính sách tài khóa.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)