Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo ở Trường trung cấp nghề Ðác Nông

Tạp Chí Giáo Dục

Trường trung cấp nghề tỉnh Ðác Nông được thành lập năm 2007, nhưng đến đầu năm học 2010-2011 mới chính thức đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng mới khang trang như: trường lớp, khu hiệu bộ, hội trường, khu ký túc xá, trang thiết bị dạy, học, thực hành… trên khuôn viên rộng 10,5 ha. Tuy nhiên, ngay năm học đầu tiên, nhà trường gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ.

Trường trung cấp nghề Ðác Nông được đầu tư xây dựng khang trang nhưng có rất ít học viên.

 Từ chuyện học viên bỏ học
Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Ðác Nông Trần Văn Hưởng cho biết: Trong năm học này, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh dạy nghề trung cấp với 300 học viên. Tất cả các học viên theo học nghề tại trường đều được miễn học phí và hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước và của tỉnh. Trong đó, con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ gồm MNông, Mạ, Ê Ðê theo học tại trường được hỗ trợ thêm tiền ăn là 390.000 đồng/học viên/tháng; học viên là con em các DTTS khác, hộ nghèo, gia đình chính sách, có hộ khẩu sinh sống ở vùng ba được hỗ trợ thêm 140.000 đồng/học viên/tháng… Mặc dù vậy, từ đầu năm học đến nay, nhà trường chỉ tuyển sinh được 84 học viên là con em đồng bào DTTS theo học nghề điện dân dụng và điện công nghiệp hệ trung cấp. Ðáng chú ý, từ khi khai giảng khóa học đến nay cũng đã có hơn 30 học viên bỏ học. Qua tìm hiểu của Ban giám hiệu nhà trường, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bỏ học là do các em bị hổng về kiến thức văn hóa ngay từ các lớp bậc tiểu học, nên không tiếp thu được kiến thức nghề. Vì vậy, khi theo học tại trường, cùng với học nghề, nhà trường còn tổ chức dạy văn hóa trình độ THPT cho các em gồm bốn môn học: ngữ văn, toán, vật lý, hóa học thì hầu hết các em không tiếp thu được dẫn đến chán nản bỏ học. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với học viên học nghề chưa phù hợp, còn quá thấp so với điều kiện sinh hoạt, giá cả hiện nay; môi trường học tập chưa thật sự tạo sức hút. Công tác dạy nghề của nhà trường chưa gắn với tạo việc làm. Nguyên nhân quan trọng nữa là phần lớn các giáo viên của trường đều mới ra trường, trong đó một số giáo viên chưa đạt chuẩn để dạy nghề trình độ trung cấp và thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy. Nhận thức về học nghề, lập nghiệp của một bộ phận thanh niên ở địa phương còn hạn chế… Chính vì vậy, nhiều học viên theo học nghề tại trường chỉ được một thời gian ngắn đã bỏ học.
Ðến khó khăn trong tuyển sinh
Theo ông Trần Văn Hưởng, hiện nay nhà trường không chỉ gặp khó khăn trong việc giữ chân các em ở lại học nghề, mà còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác tuyển sinh hệ trung cấp nghề. Qua thực tế tuyển sinh ở các địa phương cho thấy, nhận thức về học nghề, lập nghiệp của đại bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên người DTTS chưa rõ ràng. Nhiều bậc phụ huynh và thanh niên vẫn chọn con đường học đại học hoặc cao đẳng để tiến thân, lập nghiệp, trong khi trình độ văn hóa của các em và khả năng tài chính của gia đình không đáp ứng được. Nhiều học sinh do bất đồng ngôn ngữ nên càng học lên các bậc học cao hơn, thì số lượng các em học sinh DTTS càng giảm đi đáng kể. Hơn nữa, do nhà trường mới thành lập, chưa có thương hiệu nên không cạnh tranh được với các trường dạy nghề khác ngoài tỉnh, kể cả công tác tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo. Thực tế, từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trung cấp nghề tại các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS, mỗi đợt đi khá vất vả và tốn kém nhưng rất ít người đăng ký học tại trường. Trong khi đó, nhiều thanh niên ở Ðác Nông lại khăn gói vào học nghề tại các trường dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hoặc Ðác Lắc. Vì theo họ ở đó chất lượng giảng dạy tốt hơn và khi ra trường cũng dễ tìm việc làm hơn.
Theo kế hoạch trong năm học tới, nhà trường sẽ mở thêm năm ngành nghề mới là điện công nghiệp, trồng cây công nghiệp, thú y, gia súc gia cầm, mộc dân dụng nhưng không có giáo viên giảng dạy, đồng thời rất ít giáo viên giảng dạy được theo phương pháp tích hợp. Nguyên nhân do cơ chế, chính sách thu hút giáo viên dạy nghề của tỉnh chưa có. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý tỏ ra an phận không có ý chí vươn lên, thậm chí một số người không an tâm, gắn bó với nhà trường…
Chính những khó khăn, bất cập này làm cho công tác tuyển sinh của nhà trường vốn đã khó khăn, nay việc giữ chân các em ở lại trường học nghề càng trở nên khó khăn hơn. Nếu Ban Giám hiệu Trường trung cấp nghề Ðác Nông không sớm nhận ra được những khó khăn, thách thức này để nỗ lực khắc phục, vượt qua và các cấp, các ngành của tỉnh không có biện pháp giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn, nhất là thu hút đội ngũ giáo viên dạy nghề và công tác tuyển sinh thì sẽ gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học mà Nhà nước đã đầu tư cho nhà trường.
Theo Nguyễn Công Lý
(nhandan)

Bình luận (0)