Sự kiện giáo dụcTin tức

Tháo gỡ khó khăn về nhân lực ngành y ở ĐBSCL: Lo ngại một chính sách bị lợi dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Y, bác sĩ từ TP.HCM về khám cho bệnh nhân ở vùng sâu ĐBSCL. Ảnh: B.N
Năm 2011, Trường ĐH Y dược TP.HCM đề xuất với Bộ Y tế và GD-ĐT xin 200 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ đối với hệ chính qui và 120 chỉ tiêu đào tạo theo hệ liên thông cho ĐBSCL và các tỉnh lân cận. Bên cạnh sự đồng tình của các sở y tế địa phương thì đề án cũng còn nhiều điều cần phải được bàn bạc kỹ trước khi thực hiện.
Việc đề xuất này nằm trong đề án “Đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ sử dụng cho miền Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận” nhằm góp phần giúp các địa phương trên đạt chỉ tiêu dự kiến là 6 đến 8 bác sĩ/100.000 dân trong 5 đến 10 năm tới.
Theo đề án, chỉ tiêu sẽ được phân đều cho các tỉnh – thành, các địa phương căn cứ vào đó để tuyển chọn đối tượng học, dựa trên kết quả điểm thi tuyển sinh của các ứng viên, rồi đề nghị mức điểm trúng tuyển với Trường ĐH Y dược TP.HCM… Số lượng tăng hàng năm cho đến khi đạt chỉ tiêu đào tạo sau 10 năm là 1.840 bác sĩ. Kinh phí đào tạo lấy từ ba nguồn: hỗ trợ của Bộ Y tế, từ ngân sách địa phương và từ người học. Để đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, đề án phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tổ chức đào tạo. Đặc biệt, đối với hệ liên thông, thời gian công tác của thí sinh sau khi ra trường thay vì ba năm công tác, đề án đề nghị Bộ GD-ĐT cho rút xuống còn từ 1 đến 2 năm.
Còn nhiều băn khoăn
Giữa bối cảnh nhân lực ngành y đang thiếu, và quan trọng hơn, thực hiện tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị: phấn đấu 100% trạm y tế xã- phường có bác sĩ; trong khi năng lực đào tạo của Trường ĐH Y dược Cần Thơ có hạn, nội dung Đề án của Trường ĐH Y dược TP.HCM nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của tất cả lãnh đạo các tỉnh – thành và ban giám đốc nhiều sở y tế trong khu vực. Bởi tất cả các tỉnh – thành đều thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học. Chẳng hạn tỉnh Đồng Tháp thiếu đến 1.000 nhân sự trong ngành y tế.
Trên thực tế, rất ít bác sĩ đào tạo chính quy chấp nhận về địa phương làm việc, lại càng không muốn về tuyến cơ sở. Nhiều đại biểu cho rằng thành lập hệ đào tạo cử tuyển riêng như vậy rất hợp lý, vì thời gian qua thực tiễn đào tạo tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho thấy: Sinh viên hệ cử tuyển thường đuối khi học chung với sinh viên trúng tuyển chính thức. Nhiều em phải nghỉ học vì không theo kịp chương trình đào tạo(!).
Mặt khác, những bác sĩ đào tạo hệ liên thông thường gắn bó và trở về địa phương công tác sau khi học xong. Có ý kiến còn cho rằng: cần tăng thêm chỉ tiêu đào tạo vì 320 là quá ít. Lý giải về yêu cầu cơ sở vật chất, đội ngũ và số bệnh viện thực hành tối thiểu để đáp ứng chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo; nhiều đại biểu phân tích: giữa vấn đề chất lượng và số lượng, vào thời điểm hiện nay, có thể tạm bỏ qua vấn đề chất lượng; cần nhất là làm sao nhanh chóng có bác sĩ tăng cường khắp cơ sở, rồi sau đó trong quá trình làm việc, anh em sẽ học tiếp để nâng dần chất lượng chuyên môn(?!)… Tuy nhiên, ThS. Cao Mỹ Phượng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh băn khoăn: “Bác sĩ đa khoa làm việc trên sinh mạng bệnh nhân, xảy ra sơ suất là chết người. Chúng tôi mong đề án dành 2/3 thời gian thực hành ở tuyến tỉnh, 1/3 thời gian cho các sinh viên thực hành ở các bệnh viện tuyến trung ương, vì chỉ có những bệnh chỉ ở tuyến trung ương mới có, sinh viên mới được tiếp cận để thực hành. Có như vậy người đào tạo mới không yếu về năng lực”.
Trước băn khoăn về chất lượng đào tạo, PGS.TS. Lý Văn Xuân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM) khẳng định: “Đề án đảm bảo điều kiện và năng lực về đào tạo. Nếu chất lượng của hệ chính qui là 10, chúng tôi đảm bảo hệ cử tuyển phải là 7 hoặc 8. Những bác sĩ này sau khi tốt nghiệp, trường sẽ tiếp tục tổ chức những lớp nâng cao, ngắn hạn hoặc dài hạn cho họ! Nghề bác sĩ là phải học suốt đời”…
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Đào tạo nhưng làm sao để bác sĩ chấp nhận về cơ sở? Tìm đâu ra nguồn kinh phí đào tạo vì thực tế Bộ Y tế không thể tham gia hỗ trợ kinh phí kế hoạch đào tạo này? Mặt khác, liệu có tuyển đủ chỉ tiêu khi mặt bằng chất lượng tuyển sinh của nhiều tỉnh trong khu vực rất thấp? Trên thực tế, nhiều thí sinh thà chấp nhận ôn luyện để thi lại, được học hệ chính qui, sau này rộng đường lựa chọn nơi công tác thay vì nhận mấy chục triệu đồng tài trợ từ ngân sách để khi ra trường phải về công tác tại cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa với mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng?
Đừng để chính sách bị lợi dụng
Trước những vấn đề đặt ra, ông Đỗ Văn Nhượng (Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT) khẳng định: bộ luôn dành nhiều ưu tiên về các chính sách cũng như trong đào tạo cho khu vực ĐBSCL. Hằng năm, bộ đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường trong khu vực. Riêng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, năm 2011 có chỉ tiêu 900 hệ chính qui và 540 hệ liên thông. Bộ cũng đang xem xét bổ sung hơn 500 chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển cho khu vực theo đề nghị của trường. Như vậy chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhiều so với năm 2010, nay lại có thêm đề án của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên vấn đề cần giải quyết là làm sao để người học chấp nhận trở về địa phương công tác sau khi ra trường? Bởi thực tế tại những khu vực khác trong cả nước, hầu hết bác sĩ đào tạo diện cử tuyển đã tìm mọi cách để ở lại các thành phố lớn hoặc đầu quân cho bệnh viện tư nhân… Nếu không giải quyết vấn đề chính sách này thì 10 năm nữa cũng không thể khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ. Mặt khác, trong tất cả các ngành đào tạo, duy nhất ngành y có hệ đào tạo “theo địa chỉ” với những chỉ tiêu tuyển sinh rất cao. Ông Đỗ Văn Nhượng nhấn mạnh: “Hệ đào tạo cử tuyển có quá nhiều ưu đãi trong chế độ và điểm tuyển sinh mà không ngành nào có được. Do vậy nếu không có qui chế rõ ràng, sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực… Ngành y là ngành đặc biệt, việc tuyển chọn đặc biệt, đào tạo cũng đặc biệt; nếu nôn nóng sẽ không đạt yêu cầu trong đào tạo”. Đứng về góc độ Bộ GD-ĐT, ông Nhượng cho rằng: Nếu xét về tính khả thi, sáu trường cao đẳng y tế trong khu vực nên đào tạo tốt y sĩ đa khoa để có nguồn đi học hệ liên thông. Ngoài ra, điều cơ bản nhất là các tỉnh – thành cần có chính sách thu hút bác sĩ, chẳng hạn tỉnh Bình Dương đã trích ngân sách trả lương để bác sĩ công tác tại cơ sở nhà nước được nhận mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng.
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)