Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tháo “ngòi nổ” kịp thời

Tạp Chí Giáo Dục

Tình huống: Đúng 10 giờ 30 phút, tiếng trống trường vang lên, các em học sinh (HS) bắt đầu tan học ra về. Riêng HS bán trú phải ở lại trường ăn cơm. Tôi – hiệu trưởng một trường tiểu học – đang ngồi trong phòng làm việc, bỗng nghe có tiếng nói chuyện hơi lớn giọng của anh bảo vệ với một chị phụ huynh… 

Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tự phục vụ bữa trưa tại trường (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều

Thấy vậy, tôi liền bước ra ngoài nắm tình hình mới biết: Anh bảo vệ không cho phụ huynh vào phòng học trong giờ HS bán trú nghỉ trưa vì đó là quy định của nhà trường, và phụ huynh cũng biết rõ quy định này. Nhưng vì lo lắng, thấy con mình chưa kịp uống nước sau khi ăn nên phụ huynh một mực xin bảo vệ mang nước vào cho con uống. Anh bảo vệ đã giải thích với phụ huynh là trong phòng có bình nước uống và có các cô bảo mẫu trông coi.

Cách giải quyết tình huống

Đối với phụ huynh: Nắm bắt được sự việc sau khi nghe anh bảo vệ và chị phụ huynh trình bày, tôi đã nhẹ nhàng giải thích cho phụ huynh hiểu. Vì đây là ngày đầu tiên HS bán trú ở lại trường ăn cơm, chưa quen với nền nếp, cách sắp xếp và sự hướng dẫn của các cô bảo mẫu. Hơn nữa, nhà trường đã có sự chuẩn bị rất chu đáo về điều kiện ăn ngủ, dụng cụ bán trú…, đặc biệt là mỗi phòng học đều đặt 1 bình nước uống và tại khu vực ăn cơm còn đặt thêm 1 bình nữa. Vì vậy không có trường hợp HS không có nước uống. Tôi cũng giải thích thêm, giờ bán trú phụ huynh không được vào trường vì sẽ làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức và việc giáo dục nền nếp cho HS. Tôi nhẹ nhàng nói: “Việc anh bảo vệ không cho chị vào là đúng, bởi anh đã làm đúng theo quy định của nhà trường, đúng nhiệm vụ của mình được giao. Mong chị thông cảm. Tuy nhiên anh nói chuyện hơi lớn tiếng là sai. Thay mặt nhà trường, tôi xin lỗi và mong chị bỏ qua. Tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm với anh ấy”.

Nhằm tạo niềm tin đối với phụ huynh, tôi đã mời chị đến phòng học của con mình để tận mắt nhìn thấy sự chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất của lớp bán trú và những gì chị phản ánh là không chính xác. Khi bước vào phòng học của con, chị rất hài lòng về cách tổ chức của trường và biết rằng phản ánh của mình là hoàn toàn chưa đúng. Chị nhìn tôi ngượng ngùng nói: “Tôi xin cảm ơn thầy. Vì quá lo lắng cho con nên tôi đã có những phản ánh chưa đúng. Cũng nhờ thầy cho tôi vào phòng tận mắt nhìn thấy nên tôi đã thật sự yên tâm và tin tưởng về công tác tổ chức và chuẩn bị của nhà trường. Mong thầy thông cảm!”. Tôi cảm thấy vui về thái độ của chị và nói: “Tôi cũng có con nên hiểu được sự lo lắng của chị. Đó là điều tất nhiên của những người làm cha làm mẹ khi ngày đầu đưa con đến một ngôi trường hoàn toàn mới lạ. Mong chị hãy yên tâm và tin tưởng về công tác quản lý và tổ chức của nhà trường”.

Nói xong, chị vui vẻ ra về và hết lời cảm ơn về thái độ tiếp đón và ứng xử của tôi trước tình huống xảy ra vượt ngoài quy định của nhà trường. Và chị cũng không quên nói lời cảm ơn và xin lỗi anh bảo vệ.

Đối với anh bảo vệ: Sau khi xử lý vụ việc, chị phụ huynh ra về, tôi nhẹ nhàng mời anh bảo vệ vào phòng trao đổi với tư cách là đồng nghiệp, anh em. Tôi bảo: “Anh xử lý vụ việc hoàn toàn đúng với nhiệm vụ của mình phụ trách. Nhưng trong tình huống này, với tâm trạng lo lắng của phụ huynh mình phải hiểu và hết sức thông cảm cho họ, phải thật bình tĩnh, nhẹ nhàng tiếp nhận ý kiến của phụ huynh để xử lý một cách khéo léo vừa hợp tình, vừa hợp lý, tránh đôi co hoặc lớn tiếng vì chúng ta đang làm việc trong môi trường sư phạm. Thậm chí có thể xử lý sự việc vượt ngoài nội quy, quy định của nhà trường nhưng giúp phụ huynh hiểu rõ thì ta vẫn phải chấp nhận”, tôi nói tiếp: “Còn nếu chúng ta không giúp phụ huynh hiểu rõ việc làm của nhà trường, chứng kiến để thấy những phản ánh của mình là sai thì họ sẽ tung tin không đúng sự thật đến phụ huynh khác sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường”.

Sau khi nghe tôi trao đổi, anh bảo vệ đã hiểu ra vấn đề và thấy được cách xử lý của tôi khi mời phụ huynh vào tận lớp xem là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Anh xin nhận khuyết điểm về mình do nóng tính và sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Phân tích

Để xử lý tốt đẹp tình huống trên, tôi đã vận dụng thành công học thuyết theo trường phái hành vi. Tư tưởng quản lý theo quan điểm hành vi là những quan điểm quản lý nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố tâm lý, tình cảm, quan hệ xã hội của con người trong công việc. Tư tưởng này cho rằng, hiệu quả của quản lý do năng suất lao động quyết định, nhưng năng suất lao động không chỉ do các yếu tố vật chất quyết định mà còn do sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý, xã hội của con người. Ở tình huống này, tôi đã vận dụng học thuyết của bà Mary Parker Follett qua hai khía cạnh sau: Quan tâm đến người lao động trong quá trình giải quyết vấn đề; nhà quản lý phải năng động, không quá nguyên tắc cứng nhắc. Đồng thời tôi cũng đã chú ý đến các nguyên tắc về sự phối hợp của bà Mary Parker Follett là: Người chịu trách nhiệm ra quyết định phải có sự tiếp xúc trực tiếp; sự phối hợp luôn giữ vai trò quan trọng trong suốt quá trình quản lý; sự phối hợp cần nhằm đến yếu tố trong từng tình huống cụ thể.

Cách giải quyết tình huống trên cho thấy, người quản lý không chỉ có kinh nghiệm mà đòi hỏi phải biết vận dụng kiến thức khoa học quản lý vào xử lý tình huống cụ thể một cách linh hoạt. Có như vậy người hiệu trưởng mới tạo được uy tín với tập thể, với phụ huynh góp phần đưa nhà trường đi vào ổn định, đoàn kết, tạo niềm tin trong xã hội.

Lê Ngọc Phong – Hai Đức

Bình luận (0)