Hơn 11 ngàn suất cơm trưa được các thành viên CLB Bạn thương nhau, CLB Bếp cơm vạn tình và các mạnh thường quân trao đến tận tay những lao động nghèo giữa thời điểm cả xã hội thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 là một sự sẻ chia đượm tình người. Ở đó có tấm lòng thảo thơm của người trao đi và câu chuyện rưng rưng của người nhận về…
Những suất cơm miễn phí ấm lòng lao động nghèo giữa mùa dịch
Hơn 11 ngàn suất cơm trưa được trao
Hơn 11 ngàn suất cơm trưa được trao tại 5 điểm nhận cơm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ở những điểm nhận cơm ấy, tuyệt nhiên không có sự chen lấn, xô đẩy thường thấy. Thay vào đó là những hàng dọc trật tự với khoảng cách an toàn, những lời cảm ơn chân thành. Những suất cơm trao đi trong hạnh phúc của những người làm việc thiện. Những giọt nước mắt rưng rưng của người dân lao động nghèo cảm thấu nghĩa tình của “một miếng khi đói”. Khung cảnh ấy khiến nhiều người cảm động và thầm cảm phục những mạnh thường quân đã miệt mài, kiên trì hơn 10 ngày qua giữa những thời tiết nắng, mưa thất thường của Đà Nẵng. Hôm tìm đến với những điểm phát cơm, rồi trò chuyện với anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau – người đã đăng những dòng trạng thái đầu tiên để kêu gọi sự sẻ chia thông qua trang mạng Facebook, tôi quyết định dành thời gian quan sát sự sẻ chia ấy ở một góc khác – góc của thảo thơm tình người trong gian khó.
Trưa nắng gắt, hàng dài những người lao động nghèo đến nhận cơm trưa miễn phí vơi dần. Khi người cuối cùng của hàng vừa rời khỏi, những tình nguyện viên bắt đầu thu xếp đồ đạc thì một người đàn ông khuôn mặt khắc khổ và đen sạm tiến về phía anh Nguyễn Bình Nam. Ông kể: “Vì dịch nên không có việc làm, mấy hôm ni tui cứ lang thang ai gọi chi làm nấy. Cả tuần nay không được ăn cơm, vì khắp nơi đóng cửa hết rồi”. Ông ngồi bệt xuống đất, lục lọi trong một mớ dụng cụ cưa, đục, kìm, kéo… lấy ra một gói bé xíu, bọc bằng hai lớp nilon cẩn thận. “Đây là lát cá kho, tui mang đi từ sáng. Tui tính nếu thấy ai bán thì sẽ mua thêm một ổ bánh mì không, thế là thành bữa trưa. Nhưng một tuần rồi, ngày nào cũng vậy, ăn khô lắm. May mà…”, giọng ông nghẹn lại, xúc động. Ông tên Phú, 65 tuổi, làm nghề thợ đụng. Không có nhà, ông thuê trọ ở một khu trọ nghèo tận quận Liên Chiểu. Ở cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Nga 75 tuổi, làm nghề bán khăn dạo đang cẩn thận mở hộp cơm vừa nhận bên bóng mát gốc cây ven đường. Bà xúc động: “Bình thường mỗi ngày bà bán được 30 chiếc khăn thì lãi được 20 ngàn đồng. Mấy hôm nay dịch bệnh, mọi người đều hạn chế ra đường nên bà không bán được chiếc nào. May mà có các cô chú tình nguyện tặng cơm, nếu không thì bà cũng phải nhịn từ sáng tới tối mới ăn tạm một gói mì tôm lót dạ qua ngày”.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những suất cơm dù nhỏ nhưng chan chứa nghĩa tình, thảo thơm của những tấm lòng cùng chung tay để san sẻ cho nhau, để “không ai bị bỏ lại phía sau” giữa lòng thành phố. |
Không phải khi nào sự thiếu thốn cũng buộc người ta phải ưu tiên quyền lợi của mình hàng đầu. Giữa những ngày cả xã hội cùng “giãn cách” để phòng dịch, càng hiểu hơn những san sẻ của lòng người. Anh Nam kể, trong những ngày phát cơm, anh từng chứng kiến những câu chuyện nghe rất thương. Đó là chuyện về một người đàn ông ngoài 60 tuổi. Nhận phần cơm xong, ông tìm một gốc cây ngồi ăn. Nhưng ông không hề ăn cá. Ông bảo, để dành phần cá này mang về cho cháu nội ở nhà. Xúc động trước hoàn cảnh ngặt nghèo của ông, các tình nguyện viên trao thêm cho ông một phần khác để mang về, nhưng ông khoát tay nhất quyết không nhận thêm: “Ông ăn vậy đủ rồi, phần cơm đó nhường cho người khác. Như vậy là sẽ giúp thêm được một người nữa như ông, con hè”. Cách đó không xa, tại một điểm phát cơm khác, người phụ nữ buôn đồng nát ghé lại giữa cơn mưa tầm tã, cô nói: “Cô chỉ nhận áo mưa, còn cơm cô nhường người khác cần hơn. Nhà cô nấu cơm rồi…”.
Anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ: “Những ngày tặng cơm cho lao động nghèo của anh em thật sự thấm mệt, vì sau mỗi buổi phát xong, anh em phải dọn dẹp, đi chợ mua thực phẩm để chuẩn bị cho bữa tiếp theo. Mỗi ngày, có khoảng 50 tình nguyện viên đứng 4 điểm nấu ăn và 5 điểm phát cơm trên địa bàn thành phố. Anh em chúng tôi rất ấm lòng khi nhận được rất nhiều sự đồng cảm và chung sức. Có nhiều người đi đường ngang qua điểm phát cơm cũng chung tay chia sẻ. Rồi câu chuyện của những người lao động nghèo khiến chúng tôi thấy mình cần nỗ lực hơn”. Có hơn 140 lượt người/nhóm trợ lực cùng chương trình. Đó là chưa kể hơn 3.000 khẩu trang được tài trợ, nhiều sự hỗ trợ về địa điểm làm bếp, người góp gạo, người cho mượn xoong nồi, tặng thực phẩm… “Vui nhất là lúc thấm mệt, mở điện thoại nhận được những dòng tin nhắn động viên từ những người xa lạ. Thêm vào đó, những lao động nghèo đến nhận cơm rất có ý thức phòng dịch, họ đứng cách xa nhau, không hề chen lấn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)