Cuốn sách tập hợp những bài viết về “người tốt việc tốt” của nhà báo Lưu Đình Triều (Báo Tuổi Trẻ) mang cái tên khiêm tốn: Bật một que diêm (*), nhưng sức truyền cảm của “que diêm” ấy không nhỏ chút nào.
Với bề dày gần 30 năm cầm bút của Lưu Đình Triều, thì tập sách nhỏ này không thể quy tụ đầy đủ những nhân vật đã từng được anh đưa lên mặt báo. Thế nhưng, khi được đứng cạnh nhau, được xâu chuỗi lại với nhau theo trình tự thời gian, thì những những nhân vật riêng rẽ ấy lại kể cho ta một câu chuyện chung: câu chuyện về lý tưởng của những người trẻ lớn lên sau ngày đất nước được giải phóng, và qua đó, ta thấy được dòng chảy của đời sống xã hội.
Nhân vật của Lưu Đình Triều rất đa dạng, từ cậu bé quét rác tới cậu sinh viên, từ cô dân quân tới nhà khoa học, từ anh thợ sửa xe tới những người lính… Cách anh chọn để tiếp cận và thể hiện nhân vật của mình cũng rất linh hoạt: phỏng vấn có, kể chuyện có, thể hiện nhân vật thông qua góc nhìn của người khác có, và có khi, anh để cho những dòng nhật ký hay những bức thư của nhân vật dẫn dắt câu chuyện… Song những cách thức ấy sẽ mãi chỉ là những thủ pháp của một nhà báo thạo nghề, nếu câu chuyện không được thổi vào đó niềm tin mạnh mẽ và sự yêu mến chân thành đối với nhân vật của chính tác giả. Dường như sự quyết tâm của một cậu học sinh trong “cái lõm” nhà chật chội để lên đường du học (Đường du học của một học sinh nghèo), tình yêu nghề tha thiết của một cô giáo dạy trẻ (Bùi Thị Huệ: Đường dẫn đến tài năng), khát khao hướng thiện của một cựu “đại bàng” trại giam (Đại bàng xếp cánh), sự hăng hái cống hiến của những cán bộ kỹ thuật ở Côn Đảo (Gặp người thành phố trên đảo ngọc)… đã cộng hưởng với lửa từ tấm lòng tác giả, khiến mỗi câu chuyện đọc xong, ta lại có cảm giác thật ấm áp. Viết về gương người tốt việc tốt sao cho hấp dẫn đã là việc không dễ dàng với tất cả các nhà báo, thế mà trong tập sách lại có cả những nhân vật tưởng chừng rất đỗi bình thường, bởi họ không được “khẳng định giá trị” bằng giấy khen, giải thưởng, bằng cấp. Lưu Đình Triều nhìn ra khả năng vươn lên trong một cậu bé mót rác sớm từ giã tuổi học trò để giúp mẹ kiếm sống (Cậu bé mót rác ngày xưa đang trưởng thành), trân trọng ước mong sống có ích cho xã hội ở một cô xã viên hợp tác xã may (“Cánh chim” bay định hướng)…
“Sao lớp trẻ bây giờ sống không có lý tưởng?” là câu hỏi hay được đặt ra một cách phiền muộn ở những người đi trước khi nhìn về thế hệ trẻ hiện nay. Bật một que diêm có thể là câu trả lời cho nỗi ưu tư này: lý tưởng của thế hệ trẻ lớn lên sau ngày đất nước giải phóng đã khác với lý tưởng của thế hệ trẻ trong thời chiến, và chắc chắn, vẫn không thiếu những người trẻ sống có lý tưởng!
Phạm Thu Nga (Theo TNO)
Bình luận (0)