Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thắp lửa tri thức cho người Cadong, Hre

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng bào dân tộc Cadong đặt niềm tin giáo dục vào đội ngũ nhà giáo. Trong ảnh: Thầy Vương Tứ Vĩnh trò chuyện với bà Định Thị Ga, dân tộc Cadong

Thầy, cô giáo dạy học ở miền núi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số không đơn thuần là dạy trên lớp, những giáo viên (GV) ở đây còn kiêm luôn dạy cho bà con cách tiếp cận với cuộc sống hiện đại, dạy cho họ biết cách ăn chín, uống sôi, dạy họ học từng con chữ và dạy tất cả những điều đơn giản trong cuộc sống… Để làm được điều đó, người thầy không chỉ trang bị về kiến thức sư phạm, chuyên môn… mà phải có tính chịu đựng, biết sẻ chia, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là tình yêu thương con trẻ.
Những bước chân khai phá
Gắn bó với Trường Tiểu học Sơn Tân (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) tròn 20 năm, thầy Vương Tứ Vĩnh thổ lộ: “Nhớ về những ngày đầu nhận nhiệm sở ở đây, tất cả đều hoang vắng, cái đói, cái nghèo tưởng chừng như không bao giờ dứt ra khỏi vùng đất hoang vu này. Ngôi trường tiểu học ngày đó cũng chỉ là tranh tre nứa lá, học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc, nhìn thầy với đôi mắt xa lạ, cái đói, cái khổ hiện rõ trên thân hình các em. Nhìn những chiếc áo vá, chiếc quần không lành lặn, với thân hình gầy gò, suy dinh dưỡng của HS đã làm bùng cháy sự nhiệt huyết trong con người tôi”. Quê của thầy Vĩnh ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Từ quê lên tới Trường Tiểu học Sơn Tân gần 70km, nhưng thời gian đó, đường đi lại vô cùng vất vả. Chỉ đi được xe đạp hơn 40km, gần 30km còn lại thầy và các đồng nghiệp của mình phải đi bộ. Mỗi lần lên là ở lại có khi 2 tháng mới về thăm nhà một lần. Những năm đầu ở đây rất khó khăn, đi bộ là chính, thầy cô ở chung với nhau trong những ngôi nhà mà bà con dân tộc xây dựng cho.

Thầy và trò Trường Tiểu học Sơn Tân (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vui cùng nhau trong giờ ra chơi

Bà Đinh Thị Ga ở thôn Bãi Màu, xã Sơn Tân như vui hẳn lên khi nhắc đến thầy Vĩnh và các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Sơn Tân. Chính những người thầy ở mái trường này đã giúp đỡ cho bà con rất nhiều, nhất là được học cái chữ, biết được công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta. Với cách phát âm tiếng Việt thiếu dấu, bà Ga cho biết: “Thầy Vĩnh và các thầy cô giáo ở đây dạy HS rất tốt, dạy mọi người trong gia đình biết cái này, cái kia, bà con hàng xóm rất thương thầy Vĩnh và các thầy cô giáo ở đây. Trước kia, không có thầy giáo lên đây thì con cái mình không biết chữ không biết gì. Có thầy giáo lên đây dạy dỗ, bây giờ các em đã biết được cái chữ rồi”. 
Nhiệt huyết chắp cánh ước mơ
Tới Trường Tiểu học Sơn Thủy (Sơn Hà, Quảng Ngãi) gặp cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thúy – người đã gắn bó với giáo dục miền núi hơn 25 năm qua. 12 năm làm GV, 13 năm làm quản lý, cô giáo Thúy vẫn miệt mài với những con chữ truyền đạt kiến thức cho các em đồng bào dân tộc miền núi này. Cô giáo Thúy cho biết, ban đầu, hạnh phúc của GV nơi đây là làm thế nào để các em đến trường được, chưa nói tới việc các em học thế nào. Cuộc sống khó khăn vất vả, người dân chưa nhận thức đúng về giáo dục, nên gần như khoán trắng việc học hành cho GV. Thế là các cô, thầy phải đi từng thôn, đến từng nhà để vận động, kêu gọi các em tới trường, tới lớp. Nhưng để người dân tin tưởng và nghe theo những điều GV nói không phải đơn giản, những thầy cô giáo ở đây phải xuống, ăn cùng, ở cùng với dân, để cho dân tin, dân hiểu. Khi đó mới có thể thuyết phục họ đưa con đến trường. “Đồng bào dân tộc ỷ lại có thầy cô giáo nên họ chỉ biết đi núi, đi rừng… Chúng tôi phải len lỏi vào từng bản làng để chở các em tới trường, phải làm như thế mới có được học trò để dạy”, cô Thúy nói.

Dạy cho con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là niềm vui và hạnh phúc của thầy giáo Vương Tứ Vĩnh
Khó khăn nhất vẫn là dạy tiếng Việt. Nếu các em không biết tiếng Việt thì coi như tất cả các môn học khác không thể học được. Có nhiều cách dạy, cách học nhưng cách duy nhất và hiệu quả nhất là phải biết tiếng các em. Học tiếng bà con đã khó, dạy cho bà con nói được tiếng Việt càng khó hơn. Thầy Giàu – GV cắm bản lâu năm ở đây – chia sẻ “Tất cả GV vào tối thứ tư hàng tuần phải đi đến 12 khu dân cư trên địa bàn xã. Khó khăn nhất khi thực hiện điều này là việc đi lại, có những bản cách xa gần 10km, GV phải gửi xe, đi bộ. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi có lòng nhiệt huyết rất cao, tất cả vì con em đồng bào dân tộc, nên sự khó khăn đó đều không ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ”.
Hạnh phúc vì được cống hiến
Dạy học ở miền núi đòi hỏi trách nhiệm và lòng nhiệt huyết cao độ, sự kiên trì và chịu đựng của người thầy được đưa tới đỉnh điểm khó khăn gian khó. Cô Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực rất, rất nhiều để trong 5 năm qua, trường không có một HS dân tộc nào bỏ học, phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, đã thực sự chăm lo cho con của mình”. Ông Nguyễn Hữu Liệu, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà không giấu được niềm vui khi đề cập đến vai trò và hạnh phúc của thầy giáo miền núi: “Các em đã được cha mẹ quan tâm đến con cái của mình, học ra sao, học như thế nào… Bấy nhiêu đó thôi, chúng tôi cũng thấy rằng mình đã có cơ hội để thành công”. Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Sơn Tây – người đã gắn bó với giáo dục miền núi, gắn bó với bà con dân tộc ở vùng cao Sơn Tây tròn 20 năm qua – không giấu được xúc động khi nhắc đến đội ngũ GV của mình đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục miền núi. Theo ông, để làm được điều đó, thầy giáo phải chấp nhận hy sinh. Ngày 20-11 năm nay cũng chính là ngày mà 20 năm trước ngành GD-ĐT Sơn Tây được thành lập. Ông Thạnh dặn lòng: “Chính bàn chân của họ đã góp phần thay đổi diện mạo giáo dục của huyện. Trong những năm tháng dạy học ở đây, có những thầy cô giáo bị thiên tai, tai nạn và mất đi. Tất cả những người mất đi đó, chúng tôi luôn tri ân và xem họ đã góp một phần máu thịt của mình trong sự nghiệp phát triển của huyện nhà”. 20 năm trước, Sơn Tây có gần 100% là người mù chữ, hơn 80% trẻ em thất học và số còn lại chỉ học hết lớp 3. Sau 20 năm, tất cả con em trong độ tuổi đều được đến trường, nhiều con em đồng bào dân tộc đã học được những trường ĐH, CĐ trong nước và đã về phục vụ lại quê hương mình. Người Cadong, người Hre đã biết làm chủ được cuộc đời của mình. Đó thực sự là hạnh phúc của người thầy giáo, hạnh phúc của những người làm giáo dục.

Cô Phạm Thị Thúy: “Hạnh phúc là khi các em được đến trường học tập”

 
Giáo dục miền núi của Quảng Ngãi vẫn đang còn nhiều khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa những người thầy ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh trồng người của mình với hoài mong rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa miền núi với đồng bằng. Hạnh phúc của họ là được cống hiến, khai phá để đem tri thức truyền đến các em HS đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: Phước Trung

 

Bình luận (0)