Sáng 9-1, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Truyền thống Học sinh sinh viên (9-1-1950/ 9-1-2021). Đây là ngôi trường mà AHLL VTND Trần Văn Ơn đã học tập trước khi bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn vào ngày 9-1-1950, khởi sinh ra Ngày Truyền thống Học sinh, sinh viên toàn quốc.
Cô Phạm Thị Bé Hiền – Hiệu trưởng nhà trường thắp ngọn lửa truyền thống
Lễ Kỷ niệm vì thế là dịp để cô trò nhà trường ôn lại truyền thống phong trào học sinh, sinh viên, ôn lại truyền thống bề dày lịch sử của nhà trường, từ đó nhắc nhở và thắp tiếp lên ngọn lửa tự hào cho các thế hệ học sinh nhà trường, nỗ lực tiếp nối làm rạng danh tên trường.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong là một trong những trường có lịch sử lâu đời tại TP.HCM. Trước đây, trường được mang tên là Lyce’e Pe’trus Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Petrus Ký). Chính từ nơi đây, các thế hệ thanh niên tân học Việt Nam đã khởi đầu phong trào yêu nước, đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ năm 1949- 1950, học sinh Petrus Ký tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh Sài Gòn như chống độc lập giả hiệu, đòi học Tiếng Việt trong nhà trường. Ngày 23-11-1949, toàn trường bãi khoá đòi thả 5 học sinh của trường bị bắt. Ngày 24-11-1949, nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh đóng cửa trường vô thời hạn. Tháng 12-1949, phụ huynh, học sinh đòi mở cửa trường trở lại. Đỉnh điểm, ngày 9-1-1950, hơn 2.000 học sinh các trường Petrus Ký, Gia Long, Kỹ thuật… đã kéo đến trụ sở Nha học chánh biểu tình, yêu cầu đòi thả các học sinh bị bắt. Chính quyền thực dân khi đó đã đàn áp đoàn biểu tình dữ dội. Học sinh Trần Văn Ơn của trường đã bị tử thương. Sự hy sinh của anh Trần Văn Ơn đã làm dấy lên sự căm phẫn tột cùng chống Thực dân Pháp trên khắp cả nước, hơn 1/6 dân số Sài Gòn đã xuống đường đưa tiễn anh với dòng biểu ngữ “Bạn dầu thác tên bạn muôn đời sống”…
Các thế hệ học sinh nhà trường thắp ngọn lửa truyền thống
Học sinh nhà trường tái hiện lại phong trào học sinh sinh viên những năm 1950
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn đã liên tục được xây dựng tại trường, lãnh đạo mọi phong trào đấu tranh của học sinh nhà trường hoà trong làn sóng đấu tranh của hoc sinh sinh viên Sài Gòn. Nhiều học sinh nhà trường đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh ở khắp nơi. Sau ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, trường được chọn làm nơi đóng quân. Từ nơi đây, những sắc lệnh đầu tiên của Ban Quân quản TP.HCM đã được ban hành. Năm học 1976-1977, trường chính thức mang tên Lê Hồng Phong.
Lãnh đạo nhà trường khen thưởng học sinh tiêu biểu
Trao học bổng của Ban Liên lạc giáo viên và cựu học sinh Petrus Ký – Lê Hồng Phong cho học sinh nhà trường
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù không tổ chức được Giải Việt dã như hàng năm nhưng Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Học sinh sinh viên, thầy trò Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong vẫn trọn vẹn thắp sáng ngọn lửa truyền thống thiêng liêng, tổ chức viếng mộ Liệt sĩ Trần Văn Ơn và dành những giây phút trân trọng nhất để khắc ghi và tri ân các thế hệ thầy cô, các thế hệ học sinh đã làm nên ngôi trường với bề dày lịch sử. Để thắp tiếp lên ngọn lửa tự hào, trong Lễ Kỷ niệm, cô Phạm Thị Bé Hiền (Hiệu trưởng nhà trường) cùng thế hệ học sinh nhà trường đã thắp ngọn lửa truyền thống, như một lời nhắc nhở, một lời hứa để các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường tiếp tục cố gắng, nỗ lực…
Dịp này, nhà trường cũng đã phát thưởng cho các học sinh tiêu biểu đạt kết quả cao trong năm học. Đồng thời, Ban Liên lạc Giáo viên và cựu học sinh Petrus Ký – Lê Hồng Phong trao 26 suất học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập.
Tin, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)