Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thắp sáng ước mơ học sinh khiếm thị

Tạp Chí Giáo Dục

Với bảng từ dạy môn toán do thầy Nguyễn Duy Quy sáng tạo đã giúp các em khiếm thị học tốt hơn
Hơn 15 năm, kể từ ngày nhận quyết định về công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), thầy Nguyễn Duy Quy không chỉ làm tròn vai trò của người thầy truyền đạt kiến thức mà còn có nhiều sáng chế hữu ích dành cho học sinh khiếm thị…
Tự làm đồ dùng dạy học
Khi được phân công về Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểucông tác, tâm trạng của người giáo viên trẻ Nguyễn Duy Quy vừa vui vừa lo. “Suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường ĐH và cả những năm dạy học ở huyện miền núi Quế Sơn (Quảng Nam), tôi chưa hề nghĩ đến việc sẽ tiếp nhận những lớp học dạy bằng chữ nổi Braille mà tôi chưa được làm quen lần nào”, thầy Quy nhớ lại.
Để bắt đầu với môi trường mới, chính thầy Quy phải đi học chữ nổi từ… học sinh và đồng nghiệp. Tập làm quen với chữ nổi một cách khó khăn nhưng bằng nỗ lực thầy đã nhanh chóng nắm bắt được tất cả mặt chữ để bắt đầu đảm nhận chương trình giảng dạy môn toán.
Khác với học sinh bình thường, để các em học sinh khiếm thị có thể hiểu được một khái niệm, một công thức hay định nghĩa toán học là vấn đề cực kỳ nan giải. Người giáo viên phải có phương pháp giảng bài làm sao vừa đủ chậm, vừa có sự minh họa, mô tả cho các em nhận ra và hiểu đúng bài học. Nhiều đêm trắng trăn trở “phải làm được điều gì đó để bù đắp thiệt thòi cho các em”, thầy Quy chợt bật lên ý tưởng: “Chỉ có cách làm đồ dùng học tập. Khi đã nghe tận tai, sờ tận tay thì các em sẽ dễ hiểu hơn về các định nghĩa, những khái niệm cũng như dễ hình dung hơn về bài học vốn khô khan này”. Ban đầu, thầy bắt tay vào làm những đồ dùng dễ hình dung kèm theo bài giảng như: Hình tam giác, tam giác cân, hình vuông cân, hình bình hành, hình thoi, đường trung tuyến… Thầy Quy trải lòng: “Tôi thấy cứ mỗi hình vẽ trên giấy bìa cứng, hoặc bảng chữ nổi Braille mất thời gian khoảng 5 phút nhưng chỉ dùng được một lần. Vì vậy tôi suy nghĩ và làm các đồ dùng như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng… nhằm giúp các em dễ nắm bắt kiến thức, qua đó phần nào đỡ vất vả cho giáo viên”. Không bằng lòng với những sản phẩm làm ra, bởi những dụng cụ đó chỉ sử dụng được trong một chương học, khi qua chương khác lại phải làm mới. Thầy Quy lại mày mò, thử nghiệm suốt hai tháng để chế tạo ra dụng cụ “Bảng từ dạy học môn toán”.
Có bảng từ chỉ bớt được một phần vất vả cho học sinh trong quá trình học lý thuyết. Nhưng còn phần bài tập, việc vẽ hình vào vở rất khó khăn bởi trên bảng chữ nổi Braille chỉ vẽ được những đường thẳng, đường ngang còn hình tròn thì không thể nào vẽ được. Nghĩ mãi, thầy lại sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn toán, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian. Tiếp đó, thầy lại cặm cụi đục lỗ các hình để làm bộ dụng cụ mẫu cho các em. “Mỗi hình đơn giản như các chữ cái cũng mất nguyên cả tuần”, thầy Quy nói.
Những sản phẩm của thầy Quy làm ra ứng dụng rộng rãi trong trường, được đồng nghiệp thán phục, học sinh thích thú.
Cây gậy dò đường cho người mù
Thầy Quy bộc bạch: “Đối với học sinh khiếm thị, việc học đã khó khăn, chuyện đi lại còn khó hơn gấp nhiều lần. Mỗi khi các em đi học, nhà trường phải cử giáo viên đi theo dẫn đường. Một lần tình cờ tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ mù đi bán chổi loay hoay tìm cách qua đường trong khi xe cộ cứ lao đi nườm nượp. Thế là tôi suy nghĩ mình phải làm gì đó để giúp người khiếm thị có được “đôi mắt” đỡ nhọc nhằn hơn. Nhiều đêm trằn trọc, tôi nảy ra ý tưởng biến cây gậy mà học sinh khiếm thị thường dùng thành “người” dẫn đường cho chính các em”.
“Mục đích của việc trang bị gậy thông minh là tín hiệu để người sáng nhường đường cho người tối”, thầy Quy nói.
Nghĩ là làm, ban đầu thầy tìm đến những người am hiểu về vi mạch nhờ tư vấn, mặt khác tranh thủ thời gian rảnh, thầy tìm các vật dụng để chế tác gậy. Nhiều lần thất bại trong quá trình thử nghiệm, có lúc tưởng chừng thầy phải bỏ cuộc. “Mỗi lần thất bại tôi lại nghĩ đến những bước chân của các em chênh vênh, va vấp, thế là lại bắt tay vào làm tiếp”, thầy Quy chia sẻ. Sau hai năm miệt mài chế tác, chiếc gậy thông minh hoàn thành. Thân gậy được lắp một hệ thống đèn LED, loa báo tín hiệu. Mỗi khi qua đường, người khiếm thị chỉ cần bật công tắc lập tức hệ thống đèn phát sáng, loa phát ra tiếng còi báo hiệu liên tục để người đi đường nhận biết và nhường đường. Thầy Quy cho biết, mỗi chiếc gậy chỉ trang bị 1 viên pin tiểu, nếu mỗi ngày sử dụng 15 phút thì tuổi thọ của pin có thể dùng tới 20 ngày liền. Với cây gậy này, các em học sinh đi lại thuận lợi hơn. Thầy Quy còn trích 800 ngàn đồng từ giải thưởng giành được trong Ngày hội sáng tạo ngành giáo dục Đà Nẵng làm thêm 3 cây gậy nữa cho học sinh và đồng nghiệp. “Với tổng cộng khoảng 220 ngàn đồng để có một chiếc gậy tiện ích cho người khiếm thị. Tôi cũng sẵn sàng chuyển giao, hỗ trợ nếu đơn vị nào có ý định sản xuất giúp trang bị cho những hoàn cảnh kém may”, thầy Quy chia sẻ.
Hơn 15 năm dạy học ở trường, cũng từng ấy thời gian thầy Quy mày mò sáng chế ra nhiều sản phẩm phục vụ cho việc dạy học, giành được nhiều giải thưởng các cấp. Nhưng với thầy: “Niềm vui lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng mỗi ngày truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhằm bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em là mình thấy hạnh phúc rồi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Cô Đỗ Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) cho biết thầy Nguyễn Duy Quy là một trong những tấm gương giàu tính sáng tạo, tận tâm với học sinh. Các sản phẩm đồ dùng dạy học do thầy sáng chế ra mang tính đa năng, giúp học sinh dễ tiếp thu bài, vừa tiết kiệm được chi phí.
 

Bình luận (0)